Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu

Ánh Dương 20/09/2024 08:00

Sở hữu đội ngũ nhân tài hàng đầu trong ngành dược, Imexpharm vẫn liên tục tạo lực đẩy lớn bằng việc đẩy mạnh R&D cho chiến lược phát triển dược phẩm công nghệ cao.

img
Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 1.

Mới đây, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội thảo tư vấn hướng nghiệp khối sản xuất và đảm bảo chất lượng thuốc cho sinh viên dược năm 2024. GS.TS.BS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, Imexpharm hiện là nơi tuyển dụng nhiều sinh viên y dược, trong đó có khoảng 20% sinh viên Y Dược Cần Thơ làm việc tại công ty.

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 2.

Với vai trò là nhà tuyển dụng, Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Luận, Giám đốc nhân sự Imexpharm, cho biết: "Đối với Imexpharm, con người luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển và thành công của công ty. Hiện nay, Imexpharm may mắn sở hữu những nhân tài hàng đầu trong ngành dược tại Việt Nam. Công ty luôn chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, nhằm đảm bảo Imexpharm có đội ngũ lãnh đạo tài năng, đội ngũ khoa học giỏi, cùng với đội ngũ vận hành, bán hàng và marketing xuất sắc để đưa doanh nghiệp vươn xa hơn".  

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 3.

Từ những ngày đầu mới thành lập, với chỉ có vài chục thành viên tại Đồng Tháp và công việc chủ yếu là nhận thuốc rồi phát thuốc trong thời kỳ bao cấp, hiện nay, bộ phận R&D của Imexpharm đã phát triển mạnh mẽ với 80% nhân sự trình độ đại học trở lên, trong đó có những chuyên gia được đào tạo tại Châu Âu.

Thu hút các nhà khoa học trẻ để tạo ra nền tảng nghiên cứu mạnh mẽ là định hướng của Imexpharm trong nhiều năm qua. Đồng thời, Imexpharm luôn đi tiên phong trong phát triển, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất dược phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế…  

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 4.

Năm 2023, Imexpharm đã dành 5% doanh thu cho các hoạt động R&D. Chính sách này là bệ phóng giúp công ty luôn tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng khoa học tiên tiến để sản xuất dược phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Đến nay, Imexpharm đã trở thành công ty dược sở hữu cụm nhà máy EU-GMP lớn nhất Việt Nam với 3 cụm nhà máy EU-GMP và 11 dây chuyền EU-GMP. Sự đầu tư này giúp Imexpharm đứng số 1 Việt Nam về thuốc kháng sinh. Trong đó, nổi bật là công nghệ Enzymatic tiên tiến trên thế giới đã được Imexpharm ứng dụng để sản xuất thuốc kháng sinh chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.

Liên tục thành công trong nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, Công ty hiện có hơn 333 sản phẩm được cấp phép thương mại tại Việt Nam. Năm 2023, Imexpharm đăng ký thêm 11 số đăng ký cho 6 sản phẩm tại châu Âu, bao gồm các sản phẩm phức tạp như Ampicillin/Sulbactam. Đến tháng 7/2024, Imexpharm đã nâng tổng số Giấy phép lưu hành tại châu Âu (MA) lên 28 cho 11 loại sản phẩm.

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 5.

PwC dự báo tổng giá trị gia tăng trực tiếp từ ngành công nghiệp dược phẩm phát minh có thể tăng trưởng với tốc độ kép từ 15% - 20% trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2040 và đóng góp từ 3,3 USD - 7,4 tỷ USD vào năm 2040 cho kinh tế Việt Nam. Công nghệ sẽ là cơ hội giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành dược phẩm Việt Nam, từ đó nhanh chóng nâng vị thế quốc gia trên bản đồ dược thế giới. 

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 6.

Sở hữu lợi thế cạnh tranh hàng đầu so với các công ty dược trong nước thông qua chiến lược xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP và đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, Imexpharm đang sẵn sàng hướng tới thời kỳ “phát triển vàng” với động lực quan trọng là cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. 

Năm ngoái, Imexpharm dẫn đầu thị trường kháng sinh khi chiếm 9% thị phần với doanh số khoảng 2.113 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2022. Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính của Imexpharm, cho biết Imexpharm đang trên đường tiến tới năm thứ 3 liên tiếp đạt kỷ lục lợi nhuận. 

Năm nay, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng. “Ngoài sự khác biệt trong công nghệ sản xuất, với bề dày kinh nghiệm sản xuất và phân phối kháng sinh chất lượng cao 47 năm nay, thuốc của IMP đã tạo dựng uy tín trong cộng đồng y khoa và được các y bác sỹ tin tưởng bởi cả tính hiệu quả và sự ổn định chất lượng. Chính điều này là cơ sở để Imexpharm trở nên khác biệt, tiếp tục tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tích cực trên kênh ETC”, ông An Duy cho biết. 

Vị thế tăng trưởng liên tục và bền vững của Imexpharm được khẳng định qua hàng loạt giải thưởng mà công ty nhận được trong năm quá. Mới đây nhất, vào tháng 7/2024, Imexpharm được công nhận là doanh nghiệp có Chỉ số Phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI) trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ngày 2/8/2024, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm cũng được vinh danh  trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức

Tại Hội nghị nhà đầu tư và chuyên gia phân tích được Imexpharm tổ chức vào ngày 5/8/2024, doanh nghiệp dược này đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, Imexpharm tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh chất lượng cao cũng như trên kênh ETC.  

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 7.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, IMP công bố đạt doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) và EBITDA ghi nhận ở mức 161 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, duy trì biên EBITDA ổn định ở mức 21%.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ này tiếp tục được thể hiện rõ nét trong tháng 7/2024, khi doanh thu thuần của Imexpharm đạt 159 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Kênh ETC tiếp tục tăng trưởng vững vàng, trong khi kênh OTC phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng 63% cho OTC và 23% cho ETC. Như vậy, có thể thấy, tháng 7 là giai đoạn tăng trưởng ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động như hiện tại.

Đặc biệt, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã cổ phiếu IMP - sàn HOSE) vừa có thông báo về việc sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu vào ngày 18/9 tới đây. Việc phát hành thêm hơn 77 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (100%) sẽ giúp Imexpharm tăng vốn điều lệ trong thời gian tới.  

Đà tăng trưởng cao của các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ R&D như Imexpharm đang được hậu thuẫn khi Bộ Y tế đang có những  ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc dược liệu, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất... 

Trong bối cảnh chung của khu vực, hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép trong dài hạn: "Xu hướng nhân khẩu học thay đổi" và thu nhập bình quân tăng cao. Đi cùng với đó là những thách thức từ sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm, tốc độ già hóa dân số, mối đe dọa từ các bệnh dịch mới nổi.

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 8.

Việc đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp điều trị chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực sẽ giúp Imexpharm duy trì lợi thế tăng trưởng trong dài hạn. Với nền tảng nghiên cứu khoa học vững chắc, năm 2023, Imexpharm có 93 dự án R&D, trong đó có 15 sản phẩm đã ra mắt thị trường, tạo ra lợi thế về những sản phẩm dược mới. 

Công ty đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm Non-Antibiotic và dự kiến xây dựng nhà máy IMP5 sản xuất các dòng sản phẩm mới bao gồm các thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, tai-mũi-họng, thuốc ho và tiêu hóa... Việc nhiều sản phẩm thuốc đặc hiệu được sản xuất tại Việt Nam, như của Imexpharm, góp phần tăng cơ hội tiếp cận của người tiêu dùng đối với các loại thuốc vốn chỉ được nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây. 

Vừa qua, Imexpharm đã bắt tay với Genuone Sciences - Tập đoàn dược phẩm đến từ Hàn Quốc để hợp tác đăng ký, sản xuất và phân phối thuốc tại Việt Nam; cùng với hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Genuone. Trước đó, Imexpharm cũng là đối tác liên doanh, nhượng quyền, gia công của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Sanofi-Aventis, Pharmascience, DP Pharma...

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 9.

Kinh nghiệm sản xuất cùng các dây chuyền chuẩn EU-GMP đã trang bị cho Imexpharm năng lực sản xuất vượt trội và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu. Với sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, Imexpharm đã xuất khẩu thành công sang thị trường mới như Mông Cổ và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường: Singapore, Malaysia, Philippines…

Những chiến lược này không chỉ đặt nền móng cho tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu doanh thu tăng gấp 3 mà còn là bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, các định hướng này cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp điều trị chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực. 

“Nghiên cứu và phát triển là động lực thúc đẩy sự đổi mới, tiến bộ y tế và cải thiện sức khỏe của cộng đồng. Để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của ngành dược phát minh, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bởi những chính sách cần thiết và thiết lập các định hướng triển khai trong nhiều lĩnh vực, từ chiến lược ưu đãi đầu tư, khuôn khổ pháp lý đến các chương trình giáo dục và đào tạo”, Thầy thuốc Nhân dân – Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm, cho biết.

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 10.

Định hướng này của các doanh nghiệp như Imexpharm đặt trong trong bối cảnh ngành dược Việt Nam nhiều năm qua phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu. Bên cạnh đó, về giá trị thuốc, doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm gần 50% tổng thị trường. Hiện có trên 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm có nhà máy, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. 

Nhưng số doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn cao hơn như: EU-GMP, Japan-GMP còn khá khiêm tốn. Các bước đi mạnh mẽ về công nghệ của những doanh nghiệp đầu ngành như Imexpharm sẽ hiện thực hoá Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm của khu vực. 

"Chúng tôi nỗ lực duy trì vị thế công ty dược phẩm sản xuất kháng sinh số một Việt Nam, vươn tầm quốc tế. Công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng cao bằng chất lượng sản phẩm, cung cấp cho thị trường những sản phẩm thuốc Việt mang thương hiệu Imexpharm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu", Tổng giám đốc Imexpharm cho biết.  

Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu- Ảnh 11.
Hồng Hạnh
Diễm My
Theo Trí Thức Trẻ
Theo Tổ Quốc
https://toquoc.vn/day-manh-rd-imexpharm-ky-vong-dat-chan-vao-chuoi-cung-ung-duoc-toan-cau-20240919152050103.htm
Copy Link
https://toquoc.vn/day-manh-rd-imexpharm-ky-vong-dat-chan-vao-chuoi-cung-ung-duoc-toan-cau-20240919152050103.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh R&D, Imexpharm kỳ vọng đặt chân vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO