Nội dung đề xuất quy định về tốc độ giới hạn cho phép của xe cơ giới từ 01/01/2025 đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến tại dự thảo Thông tư.
Đề xuất quy định về tốc độ giới hạn cho phép của xe cơ giới từ 01/01/2025 (Hình từ internet)
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, nhằm hướng dẫn phù hợp theo Luật Đường bộ 2024 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
Dự kiến dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 31/2019/TT-BGTVT nếu được ban hành chính thức.
(1) Trong khu vực đông dân cư
Cụ thể, tại Điều 6 dự thảo Thông tư đã đề xuất tốc độ tối đa cho phép cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc, đường bộ trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác) như sau:
Loại xe cơ giới đường bộ | Tốc độ tối đa (km/h) | |
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên | Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới | |
Các phương tiện xe cơ giới, trừ các xe được quy định tại Điều 8 Dự thảo như xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các xe tương tự… | 60 | 50 |
Có thể thấy đề xuất về tốc độ tối đa cho phép cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư không có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT.
Nhưng, dự thảo Thông tư mới đã đề xuất bổ sung thêm quy định sau:
Trường hợp đường trong khu vực đông dân cư có điều kiện thuận lợi để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ (như đường trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác, đường trong đô thị được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng), người quản lý sử dụng đường bộ tổ chức đánh giá, nếu bảo đảm an toàn báo cáo Cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa lớn hơn giới hạn tại khoản 1 Điều 6dự thảo Thông tư và thực hiện đặt báo hiệu tốc độ tối đa cho phép.
(2) Ngoài khu vực đông dân cư
Bên cạnh đó, Điều 7 dự thảo Thông tư đã đề xuất tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) như sau:
Loại xe cơ giới đường bộ | Tốc độ tối đa (km/h) | |
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên | Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới | |
Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn | 90 | 80 |
Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc) | 80 | 70 |
Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông) | 70 | 60 |
Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc | 60 | 50 |
Như vậy, đối với tốc độ tối đa cho phép ngoài khu vực dân cư được đề xuất tại dự thảo Thông tư cũng không có sự thay đổi so với quy định hiện hành đang áp dụng tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT.
Tuy nhiên, tương tự với đề xuất về tốc độ giới hạn trong khu dân cư, thì đối với khu vực ngoài dân cư cũng đã đề xuất thêm quy định đối với trường hợp sau:
Trường hợp đường bộ đang khai thác nằm ngoài khu vực đông dân cư và thuộc các đoạn đường cấp V, cấp VI theo cấp thiết kế, hoặc các tuyến đường, đoạn đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông (tổng bề rộng mặt đường phần xe chạy theo mỗi chiều đường từ 3,5m trở xuống, bán kính đường cong nhỏ, các đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế, hoặc các trường hợp bất lợi khác), Người quản lý, sử dụng đường bộ tổ chức đánh giá, báo cáo Cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa cho phép nhỏ hơn giới hạn tại Khoản 1 Điều 6dự thảo Thông tư và thực hiện đặt báo hiệu tốc độ tối đa cho phép.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2025 nếu được ban hành.