Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên được phép làm việc bán thời gian không quá 24 giờ trong một tuần.
Đề xuất sinh viên làm thêm tối đa 24 giờ mỗi tuần (Hình từ Internet)
Tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất (lần 3), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh quy định về thời gian làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên trong thời gian học. Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 24 giờ trong một tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, so với bản dự thảo trước đó, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã tăng thêm 4 giờ làm việc trong kỳ học đối với học sinh, sinh viên làm thêm và bỏ quy định giới hạn thời gian làm việc trong kỳ nghỉ. Tại bản dự thảo vào tháng 3/2024, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong một tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong một tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định tiền lương của học sinh, sinh viên làm thêm được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ.
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP hiện hành, mức lương tối thiểu vùng theo giờ được quy định như sau:
- Vùng I là 23.800 đồng/giờ.
- Vùng II là 21.200 đồng/giờ.
- Vùng III là 18.600 đồng/giờ.
- Vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Học sinh, sinh viên khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Đồng thời, cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc sau khi người lao động là học sinh, sinh viên đã thông báo về tình trạng việc làm.
Tại Nghị quyết 118/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024, Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, tích cực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có trình độ về tay nghề và kiến thức xã hội; có sự liên thông giữa các hình thức, cấp, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng, phát triển thị trường lao động có tính liên kết, hội nhập quốc tế; giải quyết kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các chế độ, chính sách cho người lao động, doanh nghiệp; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như huy động nguồn lực, sức sáng tạo của xã hội dựa trên cơ sở các thế mạnh sẵn có.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, xu hướng phát triển trong nước và thế giới, nhất là trên môi trường mạng, công nghệ cao, thích ứng với tốc độ già hoá dân số của Việt Nam; tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ để quy định cho phù hợp, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, tính khả thi của quy định giới hạn thời gian làm việc của học sinh, sinh viên làm thêm.
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024).