Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó đề xuất sửa đổi quy định đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.
Đề xuất sửa đổi việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (Hình từ Internet)
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm thay thế văn bản hiện hành là Luật Đường sắt 2017, trong đó sửa đổi một số quy định liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt như sau:
Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt tại Điều 38 Dự thảo Luật Đường sắt (sau đây gọi là Dự thảo Luật) như sau:
- Việc cấp chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt lần đầu phải có nguồn gốc hợp pháp. (lược bỏ “đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”)
- Phương tiện giao thông đường sắt phải được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong các trường hợp sau đây:
+ Khi chuyển quyền sở hữu;
+ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt bị mất hoặc hư hỏng;
+ Khi thay đổi công năng sử dụng.
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt hết hiệu lực trong trường hợp phương tiện giao thông đường sắt bị mất, bị hủy hoại hoặc không còn sử dụng được theo công năng của phương tiện.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp lần đầu, cấp lại, thông báo hết hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc cấp lần đầu, cấp lại thông báo hết hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đường sắt đối với đường sắt địa phương do mình đầu tư.
Điều 39 Dự thảo Luật dự kiến quy định việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt thực hiện như sau:
- Phương tiện giao thông đường sắt phải được tổ chức đăng kiểm kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau đây:
+ Phương tiện giao thông đường sắt khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải để tham gia giao thông đường sắt;
+ Phương tiện giao thông đường sắt có linh kiện, phụ tùng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thuộc Danh mục linh kiện, phụ tùng phải kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng phải được tổ chức đăng kiểm định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Chủ phương tiện giao thông đường sắt chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của tổ chức đăng kiểm.
- Tổ chức đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với linh kiện, phụ tùng, phương tiện giao thông đường sắt; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do mình nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và bảo hành, bảo dưỡng linh kiện, phụ tùng, phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định:
+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt
+ Danh mục linh kiện, phụ tùng phải kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
+ Yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm;
+ Tiêu chuẩn đăng kiểm viên;
+ Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông đường sắt sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải;
+ Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường linh kiện, phụ tùng của phương tiện giao thông đường sắt lắp ráp, nhập khẩu;
+ Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông đường sắt.