Đi bộ một lúc đã đau chân cảnh báo bệnh nguy hiểm

13/05/2024 15:46

Đau chân chỉ sau vài trăm bước đi bộ có thể do tắc nghẽn mạch máu, nếu nghiêm trọng sẽ dẫn tới hoại tử, phải cắt cụt chi.

Ảnh minh họa: Medical Examprep
Ảnh minh họa: Medical Examprep

Ông Yang, 70 tuổi, người Trung Quốc, có tiền sử bệnh tiểu đường 10 năm, thường cùng vợ tập thể dục buổi sáng và đi dạo. Tuy nhiên một ngày, ông bỗng thấy cứ đi được 200-300 m, bắp chân đau đến mức phải dừng lại nghỉ. Dần dà, ông chỉ đi được một trăm bước. Những lúc khác, ông cũng cảm thấy bắp chân lạnh, đau nhức. Ông đã tới Trung tâm Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, để kiểm tra. Kết quả cho thấy ông bị xơ vữa động mạch chi dưới.

Xơ vữa động mạch chi dưới dẫn đến lưu lượng máu không đủ và thiếu máu cục bộ. Khi mắc bệnh này sẽ gây tắc nghẽn lưu lượng máu chi dưới, giai đoạn đầu có thể chỉ đau nhức, tê ở chi dưới. Nếu tình trạng thiếu máu tiếp tục trầm trọng hơn, cơn đau sẽ xuất hiện và tăng lên, gây suy giảm khả năng vận động, nghiêm trọng hơn có nguy cơ bị cắt cụt chi.

Các chuyên gia phẫu thuật mạch máu khuyến cáo căn bệnh này cần được kiểm tra và điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, do triệu chứng của bệnh không rõ ràng và thường xảy ra ở người trung niên, người cao tuổi nên dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn nên đi khám.

1. Thấy người ớn lạnh, chân lạnh, đau, tê

Chi dưới nhạy cảm với cái lạnh hơn các bộ phận khác của cơ thể. Triệu chứng lạnh và tê chân sẽ kéo dài từ giai đoạn đầu đến cuối của bệnh.

Chân lão hóa và thắt lưng kém linh hoạt cũng có thể gây đau, tê ở chi dưới. Vì vậy hãy chú ý phân biệt các triệu chứng.

2. Khập khiễng không liên tục

Sau khi đi bộ một lúc, bạn sẽ cảm thấy đau chân, chuột rút và mệt mỏi. Nếu nghỉ ngơi vài phút, các triệu chứng sẽ biến mất. Đây là lời cảnh báo của cơ thể cho thấy lượng máu không đủ đáp ứng nhu cầu khi tập luyện, có thể có mảng bám tích tụ trong mạch máu, cần điều trị bằng thuốc và cải thiện lối sống.

Nếu khoảng cách đau cách hồi ngày càng ngắn chứng tỏ tình trạng xơ vữa động mạch đã trầm trọng hơn, mạch máu ngày càng hẹp lại, bạn cần phải đi khám kịp thời.

3. Đau khi nghỉ ngơi

Tình trạng đau cách hồi không được điều trị tích cực sẽ xảy ra hiện tượng đau khi nghỉ ngơi, tức là đau chân khi không đi lại, đặc biệt vào ban đêm. Lúc này, các mạch máu có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, rất dễ xảy ra sự cố.

4. Chứng hoại tử

Biểu hiện này cho thấy tình trạng bệnh đã đạt đến tình huống xấu nhất. Nếu chỉ là hoại tử ở ngón chân hoặc bàn chân, bác sĩ vẫn có thể giữ lại chân cho bạn. Nhưng nếu hoại tử xảy ra ở cẳng chân thì chỉ có thể điều trị bằng cách cắt cụt chi.

Nhóm nguy cơ cao cần cảnh giác với xơ vữa động mạch chi dưới

- Người trên 60 tuổi

- Bệnh nhân mắc tăng huyết áp, mỡ máu cao hoặc tiểu đường

- Người có thói quen hút thuốc lâu năm

- Người có tiền sử xơ cứng động mạch

- Người cần nằm trên giường lâu

Trên đây đều là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng khó chịu ở chân nếu có và chủ động khám sức khỏe định kỳ.

Cách kiểm tra mạch máu tắc nghẽn tại nhà

1. Cảm nhận động mạch mu bàn chân

Cách kiểm tra động mạch mu bàn chân. Ảnh: Sohu
Cách kiểm tra động mạch mu bàn chân. Ảnh: Sohu

Nếu chân và bàn chân của bạn ở tình trạng tốt, bạn sẽ cảm thấy mạch đập mạnh đều đặn cùng với nhịp tim.

2. Cảm nhận động mạch chày sau

Cách kiểm tra động mạch chày sau. Ảnh: Sohu
Cách kiểm tra động mạch chày sau. Ảnh: Sohu

Động mạch chày sau nằm ở phía trong bàn chân. Bạn có thể cảm nhận được mạch đập bằng cách đặt nhẹ tay lên động mạch chày sau.

3. Nhìn vào màu sắc của đôi chân

Chân có màu sắc nhợt nhạt khi giơ cao chứng tỏ mạch máu bị tắc nghẽn. Ảnh: Sohu
Chân có màu sắc nhợt nhạt khi giơ cao chứng tỏ mạch máu bị tắc nghẽn. Ảnh: Sohu

Đặt chân lên cao một góc khoảng 45 độ trong hai phút, sau đó quan sát màu sắc bàn chân. Nếu một chân nhợt nhạt, da chân trông như trong suốt thì khi khôi phục tư thế ngồi bình thường, chân sẽ đỏ bừng, nghĩa là chân đã xuất hiện triệu chứng thiếu máu cục bộ.

Cách ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch chi dưới

1. Chọn lối sống lành mạnh

Lối sống tốt là cơ sở giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh tật. Dù là nhóm có nguy cơ cao hay nhóm đã mắc bệnh, bạn cần thay đổi lối sống kịp thời để kiểm soát hoặc giảm bớt bệnh. Hãy ăn nhiều protein, bổ sung vitamin, uống nhiều nước. Ăn ít dầu mỡ, đường và muối, kết hợp chế độ ăn hợp lý để tạo nền tảng cho sức khỏe.

2. Tập thể dục

Tham gia các hoạt động thể chất hơn 150 phút mỗi tuần. Bạn có thể đạp xe và vận động chân để rèn luyện chi dưới và cải thiện lưu thông máu.

3. Tích cực kiểm soát căn bệnh tiềm ẩn

Những người mắc cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường cần tích cực kiểm soát tình trạng bệnh, dùng thuốc đều đặn. Chủ động kiểm soát tình trạng bệnh lý nền có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện của thiếu máu cục bộ chi dưới.

4. Bảo vệ mạch máu và cải thiện lưu thông máu

Một số chất dinh dưỡng có thể bảo vệ mạch máu. Đó là anthocyanins, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể bảo vệ các tế bào nội mô mạch máu khỏi sự tấn công của gốc tự do. Nó có trong bắp cải tím, quả việt quất, nho và dâu tằm. Bạn có thể bổ sung cả astaxanthin tự nhiên, giúp giảm mỡ máu và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Nó có nhiều trong rong biển, tảo bẹ, cá mòi, cá ngừ, nghêu...

Hằng Trần (Theo Sohu, BTCH)

Theo ngoisao.vnexpress.net
https://ngoisao.vnexpress.net/di-bo-mot-luc-da-dau-chan-canh-bao-benh-nguy-hiem-4745389.html
Copy Link
https://ngoisao.vnexpress.net/di-bo-mot-luc-da-dau-chan-canh-bao-benh-nguy-hiem-4745389.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đi bộ một lúc đã đau chân cảnh báo bệnh nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO