Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?

Theo Phi Long 08/10/2024 06:50

VOV.VN - Mục tiêu sẽ ưu tiên sớm đầu tư các đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh trước.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ làm từ 2 đầu vào giữa

Theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h; Chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD.

Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?- Ảnh 1.
Ga Hà Nội - điểm đầu của tuyến đường sắt đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay.

Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất đầu tư theo từng giai đoạn. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 đã định hướng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo đó, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với phạm vi, quy mô như sau: “Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm.

Đặc biệt, mục tiêu sẽ ưu tiên sớm đầu tư các đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh). Định hướng đến năm 2050 “Hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”.

Giải phóng mặt bằng là "mấu chốt" tiến độ của dự án 

Thông tin về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt chỉ ra "mấu chốt" tiến độ của dự án phụ thuộc vào việc giải phóng mặt bằng".

"GPMB chính là khâu then chốt trong thực hiện dự án giao thông", ông Phương nhấn mạnh.

Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?- Ảnh 2.
Đường sắt tốc độ cao Nhật Bản.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Phương cho biết, ngay trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình đề án Bộ Chính trị, các giải pháp cụ thể về GPMB đã được đề xuất.

"Chúng tôi xác định các yếu tố tác động lớn đến thời gian trong GPMB (tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện…), đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách đặc thù như căn cứ cơ sở tính toán chiếm dụng đất, các khu tái định cư, di dời hạ tầng hạ tầng kỹ thuật triển khai sớm", ông Phương cho hay.

Theo ông Phương, ở bước báo cáo khả thi, cơ chế giao mỗi địa phương phụ trách một tiểu dự án GPMB hoặc giao trực tiếp cho ngành thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật. Quan điểm của Trung ương, đây là dự án quan trọng, cần có chính sách đặc thù, đặc biệt để dự án sớm được khởi công.

Về phương án bố trí hệ thống ga và tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao làm sao cho hiệu quả cao nhất, ông Phương cho hay: "Dự án đường sắt tốc độ cao được bố trí 23 ga, khoảng cách trung bình 50 - 70 km với nguyên tắc các ga phải tiếp cận trung tâm đô thị, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất và đô thị phải có trên 500 nghìn dân mới bố trí ga.

Trong tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao, không phải ga nào tàu cũng dừng. Kinh nghiệm tại tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), người ta tổ chức nhiều mác tàu trong cùng 1 ngày. Giờ cao điểm/dịp cao điểm nhu cầu cao khai thác tần suất, tốc độ cao. Suốt chặng tuyến, có những mác tàu được xây dựng biểu đồ chạy tàu chỉ dừng một vài ga.

Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?- Ảnh 3.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt chỉ ra "mấu chốt" tiến độ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phụ thuộc vào việc giải phóng mặt bằng.

Về vận tải, đây là tuyến đường sắt chủ yếu phục vụ hành khách, chở hàng khi cần thiết (hàng nhẹ, có giá trị cao). Trong quy hoạch, phân bổ hàng khô, hàng rời với các phương thức vận tải khác với chi phí hợp lý hơn.

Đối với vận chuyển hàng hoá bằng tàu đường sắt tốc độ cao kinh nghiệm ở một số quốc gia châu Âu, phương án tổ chức tàu thực hiện vào ban đêm do đây là thời điểm hành khách ít đi lại.

Kỳ vọng nhiều lợi ích từ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo các chuyên gia, đường sắt tốc độ cao sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.

Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao giúp phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt thế giới, đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn. Ngân hàng phát triển Châu Á tính toán thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra ở Việt Nam hàng năm khoảng 2,9% GDP cả nước.

Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?- Ảnh 4.
Kỳ vọng nhiều lợi ích từ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tiết kiệm chi phí thiệt hại do giảm tai nạn giao thông khoảng 849 triệu USD vào năm 2040, khoảng 1.906 triệu USD vào năm 2050.

Ngoài ra, dự án phát thải CO2 thấp hơn máy bay 8,5 lần, thấp hơn ô tô 3,7 lần; chi phí giảm lượng phát thải CO2 sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD vào năm 2040, khoảng 172 triệu USD vào năm 2050, tiết kiệm tài nguyên.

Đường sắt tốc độ cao sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế các bon thấp, đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Đáng chú ý, đường sắt tốc độ cao phần lớn sử dụng kết cấu cầu, hầm (chiếm khoảng 70% chiều dài tuyến) góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn nên việc đầu tư đường sắt tốc độ cao có thể vận chuyển các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh, hình thành thêm trục dọc cơ động khi có tình huống khẩn cấp.

Để khai thác đường sắt tốc độ cao hiệu quả, Bộ GTVT tính toán dự án được bố trí 23 ga, khoảng cách trung bình 50 - 70 km với nguyên tắc các ga phải tiếp cận trung tâm đô thị, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất và đô thị phải có trên 500.000 dân mới bố trí ga. Trong tổ chức khai thác chạy tàu, không phải ga nào tàu cũng dừng.

Theo VOV
https://vov.vn/xa-hoi/dia-phuong-nao-se-co-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-som-nhat-post1126752.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/dia-phuong-nao-se-co-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-som-nhat-post1126752.vov
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Địa phương nào sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO