Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội diễn biến phức tạp, chuyên gia đưa ra khuyến cáo

20/09/2022 15:01

PLBĐ - Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng diễn biến phức tạp khi ghi nhận số lượng bệnh nhân tăng nhanh và xuất hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 16/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý trong số đó đã có 4 ca tử vong, ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trong tuần từ 9-16/9 với 760 ca, tăng gần 39% so với tuần trước đó và có 1 ca tử vong.

Hai địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là Bắc Từ Liêm và Thanh Oai; tất cả 30 quận, huyện của Hà Nội đã có người mắc sốt xuất huyết. Toàn thành phố có 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện, trong đó 118 ổ dịch đang hoạt động. Hai ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân nhất là tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân).

Về 4 ca sốt xuất huyết tử vong, Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là các trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn, các bệnh nhân đều có bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội diễn biến phức tạp, chuyên gia đưa ra khuyến cáo - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết; do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị sốt xuất huyết bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.

Do đang trong cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết nên ngành Y tế dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch. 

Nhằm ngăn chặn không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát dịch tễ, đánh giá đúng tình hình dịch, phát hiện sớm ổ dịch và ca bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng...

Cùng với đó, rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư… bảo đảm đủ cho nhu cầu phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Riêng đối với các cơ sở y tế, các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội diễn biến phức tạp, chuyên gia đưa ra khuyến cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO