Theo Bộ Y tế dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc COVID-19
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới của COVID-19
Theo Bộ Y tế tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương ở nước ta tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Trên thế giới, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Tuy nhiên, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Ngày 02/12/2022, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Theo Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo. Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao.
Mặc dù công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa ủng hộ và đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp.
Bộ Y tế cho hay hiện có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.
Cùng đó thời điểm hiện tại, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch/chiến dịch tiêm vaccine, hầu hết là giao cho ngành Y tế thực hiện. Số người mắc COVID-19 thời gian qua giảm nhiều, trẻ em mắc có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.
Tiếp tục theo dõi chặt sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19, đẩy mạnh tiêm chủng bảo vệ đối tượng nguy cơ cao
Bộ Y tế cho biết đã tiếp tục yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Tăng cường phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng lưu ý hiện nay tình hình dịch tại các nước vẫn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp. Ngày 28/12, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết nước này ghi nhận 415 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong ngày, mức cao nhất tại quốc gia này từ trước đến nay.
Dự báo số ca mắc COVID-19 có thể tăng. Việt Nam vẫn lưu ý phòng bệnh, tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine COVID-19, đồng thời cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới của virus để kịp thời ứng phó.
"Nguy cơ đến đâu chúng ta đáp ứng phù hợp đến đó. Về phía người dân cũng phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Đặc biệt phải bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền"- PGS.TS Phu cho biết.