PLBĐ - Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, người Việt Nam nên tầm soát nguy cơ ung thư dạ dày từ 40 tuổi, giúp phát hiện và điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
Ung thư dạ dày đang trẻ hóa
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm và đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc, tử vong trong số các loại ung thư tiêu hóa ở Việt Nam.
Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, trước đây bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay mới hơn 30 tuổi đã phải mổ ung thư dạ dày.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân 30 tuổi nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao.
Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không có biểu hiện gì đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng thượng vị, kèm ợ hơi ợ chua, các triệu chứng này thường mọi người không quan tâm đến.
Ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện của ung thư dạ dày rầm rộ hơn: Đau bụng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém, chán ăn, gầy sút cân. Giai đoạn muộn: Người bệnh suy kiệt, nôn nhiều (hẹp môn vị), nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa), viêm phúc mạc do thủng dạ dày…
Tuy nhiên PGS.TS Phạm Hoàng Hà lưu ý có nhiều người bị các bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Cũng theo PGS.TS Phạm Hoàng Hà, điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân. Nắm được các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày và tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả.
Độ tuổi nào nên soi dạ dày để phát hiện ung thư sớm?
BS. Vũ Trường Khanh - Giám đốc trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở Nhật Bản, Hàn Quốc các khuyến cáo tuổi từ 40 tuổi nên soi dạ dày để sàng lọc. Nhưng nội soi thấy không có hình ảnh viêm teo hoặc viêm teo nhẹ thì cứ 2 - 3 năm nội soi một lần.
Đối với người bị viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì mỗi năm nội soi dạ dày một lần để phát hiện sớm tình trạng thương tổn dạ dày.
Đối với các nước phương Tây, nơi mà tỷ lệ ung thư dạ dày thấp hơn việc khuyến cáo với những người viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì cứ mỗi 3 năm nội soi dạ dày một lần.
Vậy đối với người Việt Nam, tuy tỉ lệ ung thư dạ dày của chúng ta thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng lại cao hơn nhiều so với các nước phương Tây. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo người Việt Nam chúng ta nên chọn tầm soát nguy cơ ung thư dạ dày theo cách của Nhật Bản và Hàn Quốc.
BS.Vũ Trường Khanh cũng cho hay, khi đề cập đến việc phát hiện ung thư dạ dày nhiều người nghĩ ngay tới nội soi dạ dày. Nhưng khá nhiều người vì đã từng đi nội soi dạ dày hoặc nghe người thân đã đi nội soi dạ dày kể lại rất sợ và lo lắng bởi mức độ khó chịu, ảnh hưởng của quá trình nội soi.
Tuy nhiên, ngày nay ngoài phương pháp nội soi thông thường có nhiều phương pháp nội soi mà người bệnh không cảm thấy khó chịu ngay cả khi nội soi cho trẻ em. Các phương pháp nội soi đã được tiến hành bao gồm: nội soi dạ dày qua đường mũi, nội soi có tiền mê hoặc gây mê sẽ đem lại sự dễ chịu cho người bệnh.
BS. cũng khẳng định các phương pháp nội soi nêu trên không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh nếu được tiến hành theo đúng quy trình, nên hoàn toàn có thể yên tâm.