Từ đoạn video 30 giây ghi lại một phần ca mổ nang ống mật bằng nội soi một lỗ của bác sĩ người Trung Quốc, PGS.TS Trần Ngọc Sơn học, áp dụng phục vụ bệnh nhi Việt.
13 năm trước, PGS.TS Trần Ngọc Sơn công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được dự Hội nghị khoa học quốc tế về phẫu thuật nội soi nhi khoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Đoạn video 30 giây về kỹ thuật nội soi một lỗ trong điều trị nang ống mật của Trung Quốc chấn động giới y học thế giới, vì khi đó, kỹ thuật hiện đại nhất vẫn là mổ nội soi 4 lỗ. Với kỹ thuật nội soi một lỗ, bác sĩ thực hiện duy nhất vết rạch 2 cm, dụng cụ thao tác chỉ qua một lối vào, quá trình hậu phẫu nhanh, ít nguy cơ biến chứng.
Lĩnh vực y tế trên thế giới, Việt Nam có thể đi sau về công nghệ do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng bàn tay và khối óc của bác sĩ Việt không thua kém các nước tiên tiến. PGS.TS Sơn quyết tâm chinh phục bằng được kỹ thuật nội soi nang mật chủ một lỗ. "Nếu thực hiện được, đây sẽ là bước tiến mới cho phẫu thuật nội soi ở Việt Nam", ông nhận định.
Không tài liệu, không mô hình hỗ trợ, chỉ có đoạn video vỏn vẹn 30 giây, nhưng sau 6 tháng nghiên cứu, bác sĩ Sơn cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca mổ nội soi một lỗ đầu tiên ở trẻ em.
Khó khăn ngay từ bước khởi động. Hai dụng cụ nội soi “đá nhau” trong một vết rạch chỉ dài 2 cm. Cùng với đó, hai tay đặt song song khi mổ làm hạn chế hoạt động của bác sĩ.
“Phẫu thuật nội soi, các bác sĩ phải bơm khí CO2 vào ổ bụng, giúp khoang bụng căng lên để điều khiển các dụng cụ dễ dàng hơn. Dụng cụ va vào nhau gây hở khí khoang bụng. Chỉ thời gian ngắn sau khi các dụng cụ xâm nhập vào, bụng bệnh nhân xẹp lép nên 15 phút mới khâu được một mũi”, bác sĩ Sơn cho biết.
Trong khoảnh khắc này, bác sĩ Sơn rất sốt ruột, nản chí, muốn đổi kỹ thuật mổ sang 4 lỗ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi. Tuy nhiên, với mong muốn “ca mổ như không mổ”, không sẹo, ít biến chứng, bác sĩ Sơn cùng ê-kíp bình tĩnh khắc phục từng bước, vướng đâu gỡ đó.
Khi dụng cụ va vào nhau, kẹt cứng, ông đổi góc đặt dụng cụ, thậm chí là thay đổi luôn con đường tiếp cận các cơ quan. Với tình trạng hở khí, bác sĩ tìm cách sắp xếp lại vị trí dùi chọc hút, kết hợp khâu lại lỗ hở.
Ca mổ đầu tiên kết thúc sau 6 giờ, lâu gần gấp đôi mổ nội soi 4 lỗ, nhưng sau mổ, sức khỏe bệnh nhi tiến triển nhanh, tốc độ hồi phục vượt trội.
Từ sự bỡ ngỡ của ca mổ đầu tiên, bác sĩ Sơn tiếp tục hoàn thiện quy trình mổ nội soi một lỗ riêng, phù hợp với thể trạng người Việt. Con đường chinh phục kỹ thuật nội soi một lỗ được bác sĩ Sơn tối ưu hóa với 3 yếu tố: phù hợp với điều kiện trang thiết bị ở Việt Nam, giảm thấp nhất chi phí điều trị để người bệnh có cơ hội được tiếp cận nhiều nhất, và cuối cùng là dễ chuyển giao, nhân rộng nhất.
Đến nay, Việt Nam trở thành một trong hai nước trên thế giới thực hiện thành công kỹ thuật này. 300 bệnh nhi đã được mổ bằng kỹ thuật nội soi một ống. Thời gian thực hiện rút ngắn từ 6 tiếng xuống 3 tiếng mỗi ca. Hằng năm, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân Việt kiều, người nước ngoài đến mổ với kỹ thuật siêu khó này.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn, 54 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y Pleven (Bulgaria) năm 1993, sau đó ở lại thực tập chuyên ngành ngoại khoa, làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Năm 2002 ông về nước, công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa Saint Paul năm 2016.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn đã có hơn 100 báo cáo tại các hội nghị quốc tế chuyên ngành phẫu thuật nhi; là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học uy tín ở Việt Nam và quốc tế.