Doanh nghiệp xây lắp của Bộ Công Thương tiếp tục thua lỗ, hàng loạt ngân hàng lo phát sinh “nợ xấu”

Thiên Vũ 02/03/2021 11:33

PLBĐ - Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam - Vinaincon tiếp tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu âm tới hơn 700 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang là “con nợ” của loạt ngân hàng như: VDB, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MBBank.

Doanh nghiệp xây lắp của Bộ Công Thương tiếp tục thua lỗ, hàng loạt ngân hàng lo phát sinh “nợ xấu” - Ảnh 1.

Nhà máy kẽm Thái Nguyên là một trong các công trình Vinaincon đã thực hiện từ năm 2010-2014. Ảnh: Vinaincon.

Liên tiếp thua lỗ, doanh nghiệp âm vốn chủ hơn 700 tỉ đồng

Theo báo cáo hợp nhất quý 4/2020 mà Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam – Vinaincon vừa công bố, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 80 tỉ đồng trong quý 4/2020, lũy kế đến ngày 31/12/2020, Vinaincon lỗ gần 1.500 tỉ đồng. Với khoản nợ phải trả lên đến hơn 6.525 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty bị âm hơn 725 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, Tổng Công ty chỉ còn hơn 253 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền; Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.492 tỉ đồng; Hàng tồn kho ở mức trên 1.071 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả đã đạt đến hơn 6.525 tỉ đồng. Trong đó gồm trên 2.956 tỉ đồng nợ ngắn hạn và trên 3.568 tỉ đồng nợ dài hạn. Mức nợ này đã khiến vốn chủ sở hữu của Vinaincon âm hơn 725 tỉ đồng.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính cho thấy, trong số các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.492 tỉ đồng thì doanh nghiệp này có nguy cơ "mất trắng" đến hơn 187 tỉ đồng. Nguyên nhân là do các con nợ đã rơi vào tình trạng "đóng băng" tài sản hoặc đang khó khăn về vốn. Đơn cử như khoản nợ hơn 27 tỉ đồng của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – Doanh nghiệp liên quan đến sai phạm trong dự án gang thép Thái Nguyên, hay khoản nợ hơn 55 tỉ đồng của Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức cũng khiến Vinaincon phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi… 

Doanh nghiệp xây lắp của Bộ Công Thương tiếp tục thua lỗ, hàng loạt ngân hàng lo phát sinh “nợ xấu” - Ảnh 2.

Vinaincon có nguy cơ mất trắng hơn 187 tỉ đồng

 Theo tìm hiểu, 2020 là năm thứ 4 liên tiếp tính từ năm 2017, Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam – Vinaincon bị thua lỗ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2019, Vinaincon lỗ lần lượt là 54 tỉ đồng, 284 tỉ đồng và 118 tỉ đồng.

Tại Hội nghị diễn ra vào cuối tháng 1/2021, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, ngoài những yếu tố khách quan như dịch Covid-19, vấn đề nổi cộm gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là quản lý xây dựng chưa chuyên nghiệp, các tồn tại nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Trong các năm tới, ban lãnh đạo Tổng Công ty sẽ tìm cách tạo ra sản phẩm mới đáp ứng thị trường, giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất…

3 trong 4 ngân hàng "big4" bị kẹt tiền tại Vinaincon

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ phải trả của Vinaincon lên đến 6.525 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.799 tỉ đồng. Trong đó, tổng nợ vay các tổ chức, cá nhân là hơn 4.105 tỉ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Theo đó, chủ nợ lớn nhất của Vinaincon tính đến ngày 31/12/2020 là Bộ Tài chính với số tiền lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Vinaincon cũng đang nợ hàng loạt tổ chức tài chính khác.

Doanh nghiệp xây lắp của Bộ Công Thương tiếp tục thua lỗ, hàng loạt ngân hàng lo phát sinh “nợ xấu” - Ảnh 3.

Hàng loạt ngân hàng đang là “chủ nợ” của Vinaincon

Trong đó, lớn nhất là khoản nợ dài hạn với Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn Thái Nguyên (VDB) với số dư hơn 1.101 tỉ đồng; BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cho Vinaincon vay dài hạn số tiền tính đến ngày 31/12/2020 là trên 278 tỉ đồng; nợ ngắn hạn ngân hàng BIDV tại nhiều chi nhánh trên cả nước với tổng dư nợ lên đến gần 400 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cũng đang "kẹt tiền" tại Vinaincon với tổng số dư vay ngắn hạn lần lượt là trên 82 tỉ đồng, 55 tỉ đồng, và 44 tỉ đồng. Đồng thời, Vinacoin còn nợ dài hạn VietinBank số tiền trên 23 tỉ đồng.

Được biết, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được thành lập theo Quyết định số 63/1998/QĐ-BCN ngày 22/9/1998 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Từ ngày 1/6/2011, Tổng Công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần theo Quyết định 1437/QĐ-TTg ngày 10/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, với số vốn điều lệ là 550 tỉ đồng. Đến nay, vốn Nhà nước cụ thể là Bộ Công Thương đang chiếm 82,75% tỉ lệ sở hữu, các cổ đông khác chiếm 17,25%.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp xây lắp của Bộ Công Thương tiếp tục thua lỗ, hàng loạt ngân hàng lo phát sinh “nợ xấu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO