ĐỔI MỚI TƯ DUY, ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ TẠO NỀN TẢNG TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN TÀI LỰC CHO PHÁT TRIỂN

03/09/2024 17:17

Để khơi thông, phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn tài lực cho phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, cần tôn trọng và khích lệ việc thực hiện 5 nguyên tắc: Đổi mới tư duy và đột phá trong cải cách thể chế; Tôn trọng, thực hiện nguyên tắc thị trường; Linh hoạt điều hành kinh tế theo ngưỡng mục tiêu định hướng cho cả giai đoạn kế hoạch thay vì chốt chặt từng năm; Chấp nhận sự đánh đổi một số mục tiêu; Cần bức tranh kinh tế thực để ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách và giải pháp điều hành kinh tế.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ TẠO NỀN TẢNG TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN TÀI LỰC CHO PHÁT TRIỂN- Ảnh 1.
TS. Nguyễn Bích Lâm.

Để phát huy tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong thế giới đầy biến động, bất định, khó lường, trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, đòi hỏi đất nước phải tạo dựng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tiền tệ (nguồn tài lực) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, ngày 15/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Ngày 12/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng khá hiệu quả nguồn tài lực đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn tài lực bao gồm: Ngân sách nhà nước; Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; Dự trữ quốc gia; Tài sản công; Nguồn tài chính từ thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; Nguồn tài chính từ các tổ chức tín dụng và Nguồn tài lực khác, đã phát triển khá mạnh cả về quy mô và giá trị. Điều này được phản ánh qua sự phát triển ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm hàng đầu khu vực và thế giới.

Một số nét đặc trưng trong quản lý, sử dụng nguồn tài lực

Nguồn tài chính công đảm bảo giữ vững an ninh ngân sách

Một trong những nguồn tài lực quan trọng của nền kinh tế đó là ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong những năm qua, thu NSNN hàng năm đều vượt so với dự toán.

Năm 2023, thu NSNN ước bằng 108,2% dự toán. Trong đó thu nội địa chiếm 83,8%, phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong điều hành thu ngân sách, đặt trong bối cảnh thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.

Với các giải pháp tăng cường quản lý thu, kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm mà còn vượt so với dự toán, đảm bảo nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cho đầu tư phát triển, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời có nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, tiếp tục tích luỹ nguồn lực dành cho thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý và điều hành chi NSNN với phương châm cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai, triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách.

Trong những năm qua, tỷ lệ bội chi luôn thấp hơn mức bội chi được Quốc hội giao. Chẳng hạn, ước tính năm 2023, tỷ lệ bội chi NSNN khoảng 3,7% GDP, thấp hơn mức Quốc hội giao 4,42% GDP.

Cùng với kết quả tích cực trong thu - chi NSNN, các chỉ tiêu phản ánh nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đều thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo hàng năm được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Kết quả tích cực trong thu - chi NSNN là cơ sở vững chắc để Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp khá hiệu quả với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN (Quỹ TCNN) đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động, tập trung thêm được nguồn tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giảm bớt gánh nặng cho NSNN, góp phần đa dạng hoạt động tài chính.

Đến cuối năm 2023, có 22 quỹ TCNN do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý. Dự kiến số dư các quỹ khoảng 1.425,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2022. Trong đó số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 91,1% tổng số dư các quỹ.

Nhìn chung BHXH Việt Nam quản lý 3 quỹ thuộc thẩm quyền khá chặt chẽ, minh bạch; khả năng an toàn luôn trong tầm kiểm soát. Số dư của 3 quỹ được sử dụng mua trái phiếu chính phủ, với khoảng 80% tổng số dư nợ đầu tư. Số tiền dư nợ còn lại được đầu tư vào các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Hiện nay, BHXH Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu chính phủ, giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, một kênh huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội quốc gia.

Dự trữ quốc gia (DTQG) luôn tạo sự chủ động cho Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Giai đoạn 2017-2023, quy mô DTQG tăng dần hàng năm; lượng tồn kho một số mặt hàng quan trọng cơ bản đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến thời điểm 31/12/2023, tổng DTQG đạt 12.749 tỷ đồng, tăng 1,16% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, tổng mức DTQG còn hạn chế, mới đạt khoảng 0,12% GDP năm 2023, không đáp ứng yêu cầu trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, kéo dài, khủng hoảng an ninh năng lượng và tình hình quốc phòng, an ninh diễn biến phức tạp, khó lường. Chẳng hạn, dự trữ xăng dầu chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng 6,5 ngày sử dụng.

Nguồn tín dụng được củng cố

Đến cuối năm 2023 so với cuối năm 2022, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 4,4%; vốn điều lệ tăng 10,1%; vốn chủ sở hữu giảm 8,1%; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp và người dân tăng 9,7% phản ánh nỗ lực rất lớn của hệ thống các TCTD đặt trong bối cảnh tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi chậm, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2023 ở mức 4,95%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022. Nếu loại trừ các TCTD yếu kém, tỷ lệ này ở mức 1,92%. Giai đoạn 2017 - 2022, hệ thống các TCTD đã chủ động xử lý khá hiệu quả các khoản nợ xấu, với số nợ xấu đã xử lý gấp 1,56 lần giai đoạn 2012-2016.

Cùng với xử lý nợ xấu, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực, chủ động triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung đẩy mạnh việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD từng bước phục hồi, phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ.

Thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD, các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD đang tập trung nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng lành mạnh, hiệu quả, thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kém hiệu quả, đồng thời chấn chỉnh, củng cố, cơ cấu lại các công ty con, công ty liên kết ở trong và ngoài nước.

Các ngân hàng thương mại cổ phần đang tập trung củng cố, chấn chỉnh và cơ cấu lại các mặt tài chính, quản trị và hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác, đồng thời mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

Tổ chức tài chính vi mô tiếp tục khẳng định sự cần thiết và vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ khá hiệu quả trong việc nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen.

Đối với kinh tế Việt Nam, kiều hối là nguồn tài chính quan trọng trong nguồn tài lực.

Theo đó, năm 2022, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt 19 tỷ USD, bằng 84,8% tổng vốn FDI thực hiện.

Năm 2023, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt 16 tỷ USD. Trong đó, kiều hối đổ về thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,46 tỷ USD, gấp 6,2 lần số vốn FDI thực hiện tại Thành phố. Khoảng 70% kiều hối đổ về thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sản xuất kinh doanh, khoảng 20% đưa vào lĩnh vực bất động sản, trên 6% hỗ trợ người thân.

Cơ cấu sử dụng kiều hối phản ánh đây là nguồn lực quan trọng, được sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Mặc dù trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực thi giải pháp để hạn chế sức hấp dẫn của vàng miếng, hạn chế tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và giữ ổn kinh tế vĩ mô.

Tuy vậy vàng vẫn là kênh nắm giữ tài sản quan trọng của người dân. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng kinh tế tươi sáng, khi đó vàng trong dân là nguồn lực tài chính không hề nhỏ cho đầu tư, phát triển đất nước.

Thị trường chứng khoán giữ được đà tăng ổn định

Trong năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức, với chính sách tiền tệ thắt chặt, bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu gia tăng, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế thế giới phục hồi chậm.

Trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định.

Tính đến ngày 29/12/2023 so với cuối năm 2022, chỉ số VN-Index tăng 12,2%; chỉ số HNX-Index tăng 12,5%; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%, bằng 58,1% GDP năm 2023.

Hoạt động huy động vốn qua TTCK vẫn được đảm bảo với tổng giá trị thực tế phát hành cổ phiếu và trái phiếu qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng 138% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn tài lực

Thất thu ngân sách nhà nước, sử dụng nguồn tài lực kém hiệu quả: Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn tài lực rất lớn, đặc biệt nguồn vốn từ NSNN, tuy vậy thất thu ngân sách vẫn diễn ra trong những năm qua. Cân đối chi chưa gắn kết chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu từ nền kinh tế. Quản lý ngân sách nhà nước còn bất cập.

Chẳng hạn, quỹ bình ổn xăng dầu giao cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quản lý, dẫn tới thất thoát, hối lộ và tham nhũng. Phân bổ vốn ngân sách còn dàn trải, lãng phí. Nguồn lực dự trữ quốc gia hạn chế. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả như kỳ vọng.

Quản lý vốn đầu tư công cũng chưa được như mong muốn. Hệ số Icore phản ánh sự hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam cho thấy, năm 2020 hệ số Icore ở mức 14,27. Nghĩa là phải bỏ ra 14,27 đồng vốn đầu tư để thu được 1 đồng tăng trưởng kinh tế, năm 2023 phải bỏ ra 7,89 đồng.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công tháng 9/2010, đến nay đã qua 14 năm thi công, chậm tiến độ 9 năm, đội vốn tới 63%, nhưng vẫn chưa hoàn thành toàn tuyến. Dự án này kéo dài, nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều triệu lượt người dân vất vả đi trên các tuyến đường ách tắc do quây lại cho thi công trong nhiều năm.

Lãnh đạo Ban quản lý đô thị đường sắt Hà Nội vừa qua chia sẻ một số bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội. Đó là rất cần sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương, từ các cấp sở ban ngành chứ không chỉ có chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu để tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc trong quá trình thực hiện; trình tự thủ tục cần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện; cần linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần.

Hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro: Tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản của tổ chức tín dụng, mức độ tập trung tín dụng đối với một số nhóm khách hàng, một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro còn cao. Tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại ở một số tổ chức tín dụng đang tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống.

Thị trường vốn quy mô nhỏ, thị trường chứng khoán chưa thực hiện vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế: Thị trường vốn có quy mô nhỏ, nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng thương mại, hạn chế về khả năng cung ứng vốn trung và dài hạn.

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực vay vốn ngân hàng. Tuy vậy, nguồn vốn từ TTCK vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, khoảng 12% trong tổng các nguồn vốn của nền kinh tế.

Trong năm 2023 so với năm 2022, giá trị thanh khoản bình quân của một phiên giao dịch trên thị trường cổ phiếu giảm 12,9%, trên thị trường trái phiếu giảm 15,2%. Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 của TTCK phái sinh bình quân năm 2023 giảm 14% so với năm 2022.

TTCK nước ta vẫn ở mức thị trường cận biên, không ổn định, quy mô nhỏ, chất lượng hàng thấp, kém thanh khoản; tính công khai, minh bạch hạn chế, thông tin tài chính và luật lệ không tương thích, rủi ro cao đã gây nên hiện tượng bán tháo trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường và xu hướng giảm đầu tư vào chứng chỉ quỹ của các quỹ trái phiếu. Hiện tượng thao túng thị trường vừa qua phản ánh rất rõ những hạn chế yếu kém về tính minh bạch và mức độ rủi ro rất cao của TTCK Việt Nam.

Mô hình tăng trưởng chậm đổi mới: Mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa nhiều vào vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn để sản xuất nhưng trình độ quản trị còn kém, thiếu kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh nên rất dễ phát sinh nợ xấu, gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cơ chế, chính sách chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội: Ban hành và tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách, pháp luật và giải pháp chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, rất khó triển khai thực hiện.

Đặc biệt, doanh nghiệp - Thực thể kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tếphải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách. Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ TẠO NỀN TẢNG TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN TÀI LỰC CHO PHÁT TRIỂN- Ảnh 2.

Cần làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài lực?

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư diễn ra như "vũ bão" với sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối…, sẽ định hình lại phương thức sản xuất, đòi hỏi huy động và sử dụng nguồn tài lực khổng lồ.

Để khơi thông, phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn tài lực cho phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, thiết nghĩ cần tôn trọng và khích lệ việc thực hiện 5 nguyên tắc, bao gồm: Đổi mới tư duy và đột phá trong cải cách thể chế; Tôn trọng, thực hiện nguyên tắc thị trường; Linh hoạt điều hành kinh tế theo ngưỡng mục tiêu định hướng cho cả giai đoạn kế hoạch thay vì chốt chặt từng năm; Chấp nhận sự đánh đổi một số mục tiêu; Cần bức tranh kinh tế thực để ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách và giải pháp điều hành kinh tế.

Trước tiên, cần đổi mới tư duy, đột phá trong cải cách thể chế: Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế xã hội triển khai chậm, hiệu quả thấp, đội ngũ cán bộ, công chức chây ì, sợ trách nhiệm có nguyên nhân cơ bản từ thể chế không phù hợp. Lúc này là thời cơ để đổi mới tư duy, thực hiện đột phá về cải cách thể chế.

Theo đó, cần khẩn trương và đi trước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đồng bộ, thống nhất làm cơ sở để khai thác, quản lý, sử dụng nguồn tài lực hiệu quả. Áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài lực cho phát triển. Lúc này, nếu không đột phá về cơ chế, chính sách, thì không thể triển khai nhanh các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Để đột phá, phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, táo bạo, khác biệt.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ông Klaus Schwab khuyến nghị các quốc gia muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0, với đòi hỏi đầu tiên đối với quốc gia đó là phải xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sắp tới.

Chúng ta vui mừng với Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nội dung quan trọng, mang tính bước ngoặt, đó là yêu cầu các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đây là bước đổi mới tư duy mang tầm chiến lược của Đảng để nâng nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức và tài năng của Việt Nam lên tầm quốc tế.

Tiếp đó, cần ban hành và thực thi chính sách, giải pháp cần theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo tính khả thi: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và thực thi linh hoạt, kịp thời, khá hiệu quả chính sách tiền tệ,góp phần kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2023 và nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương các quốc gia giữ lãi suất ở mức cao để kiểm soát lạm phát, cuối quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất. Quyết định hạ lãi suất của NHNN tại thời điểm đó là đúng và cần thiết, phát đi tín hiệu hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, sau đó lại tiếp tục hạ lãi suất cho vay và lãi suất huy động quá sâu trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường đầu ra, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trầm lắng, giá vàng thế giới tăng khá cao do bất ổn địa chính trị, lãi suất huy động hạ xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua đã gây nên hiện tượng dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, đổ vào thị trường vàng. Gây sốt nóng trên thị trường vàng, khiến NHNN phải can thiệp.

Từ thực tế trên cho thấy, việc điều hành chính sách lãi suất cần bám sát tín hiệu, "hơi thở" của thị trường hơn nữa để bảo đảm cung ứng tín dụng hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh chính sách lãi suất, thời gian qua có một số chỉ đạo điều hành chính sách cũng chưa theo quy luật kinh tế thị trường. Có thời điểm cơ quan quản lý rơi vào tình trạng "ở ngã ba đường, tiến thoái lưỡng nan" khi đồng thời thực hiện nhiều mục tiêu trái chiều: hạ lãi suất, đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, giữ tỷ giá để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, cần xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế xã - hội cần dựa trên tiềm lực thực tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cần thống nhất nhận thức có sự đánh đổi trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 7%/năm.

Đây là mục tiêu tăng trưởng cao, liên tục trong 10 năm. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nền kinh tế phải sử dụng hiệu quả mọi tiềm lực, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng, với điều kiện kinh tế thế giới ổn định, không có biến động lớn.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm của kinh tế thế giới. Muốn tăng trưởng cao, giải quyết việc làm, phục hồi kinh tế sau đại dịch thì phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, khi đó đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng lạm phát sẽ gia tăng.

Nói cách khác phải có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Không chấp nhận sự đánh đổi này, dẫn tới việc thực hiện các chính sách, giải pháp không hiệu quả, không đạt được mục tiêu của chính sách.

Bức tranh kinh tế vĩ mô của Mỹ và kinh tế thế giới giai đoạn 2020-2024 phản ánh rõ nét sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế, việc làm với lạm phát.

Linh hoạt điều hành theo ngưỡng mục tiêu của cả giai đoạn thay vì chốt chặt từng năm:Kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, chịu tác động từ các biến động bất thường của kinh tế thế giới.

Trong giai đoạn 5 năm của thời kỳ kế hoạch, kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường đem đến cho kinh tế Việt Nam cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần khẩn trương xác định cơ hội sẽ đưa tới thuận lợi gì cho nền kinh tế, có lợi cho thực hiện mục tiêu kế hoạch nào đã đặt ra, từ đó có chính sách và giải pháp tận dụng cơ hội kịp thời.

Cùng với đó, Chính phủ cần xác định mục tiêu kế hoạch nào chịu tác động ngược cần "đánh đổi" trong năm vì những khó khăn, thách thức, nếu đồng thời thực hiện tất cả các mục tiêu, nền kinh tế sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội phát triển.

Chẳng hạn, Quốc hội ban hành mục tiêu kế hoạch kiểm soát lạm phát giai đoạn 5 năm khoảng 4%. Chính phủ có thể điều hành chính sách thúc đẩy tăng trưởng, có năm mức lạm phát có thể vượt mục tiêu 4% và có năm mức lạm phát thấp hơn mức mục tiêu 4%, miễn sao lạm phát bình quân cả giai đoạn kế hoạch 5 năm được điều hành ở mức khoảng 4%.

Không nên cứng nhắc thực hiện mức lạm phát mục tiêu khoảng 4% cho từng năm của cả thời kỳ kế hoạch mà bỏ lỡ cơ hội thực thi chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Nói cách khác, cần linh hoạt điều chỉnh mục tiêu kế hoạch từng năm, trong kiên định thực hiện mục tiêu kế hoạch cả giai đoạn.

Nâng cao hiệu quả, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, đặc biệt trong chi đầu tư xây dựng. Có chế tài và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính thao túng trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); củng cố, tăng cường chất lượng của QTDND hoạt động hiệu quả; triển khai quyết liệt phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt.

Tập trung nguồn lực, hoàn thành dứt điểm với thời gian ngắn nhất các dự án đầu tư: Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp là do đầu tư dàn trải, thời gian thi công kéo dài, công trình đầu tư chậm đưa vào sử dụng.

Chính phủ và các địa phương cần xác định và tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào thực hiện dứt điểm những công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và địa phương. Kiên quyết nói không với đầu tư dàn trải. Huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu.

Kết quả thực hiện Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận so với cách làm trước đây nên thời gian triển khai dự án đã lập kỷ lục chưa từng có tiền lệ từ 3 đến 4 năm xuống còn 7 tháng.

Thành công của dự án là cột mốc đánh dấu sự phát triển của đất nước, minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân.

Nâng cao chất lượng phân tích, đánh giá, nhìn nhận bức tranh kinh tế thực để ban hành và thực thi chính sách: Các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh với chức năng liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm cung cấp bức tranh kinh tế thực của đất nước cho Đảng và Nhà nước.

Các viện nghiên cứu, các trung tâm phân tích và dự báo kinh tế, đặc biệt đội ngũ chuyên gia kinh tế cần phân tích, đánh giá rõ nét những điểm sáng và gam màu tối của bức tranh kinh tế, từ đó tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phù hợp.

Nhà ngôn ngữ học, triết học, sử học Noam Chomsky đã nói: "Trách nhiệm của trí thức là nói lên sự thật và phơi bày những điều giả dối". Thiết nghĩ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và chuyên gia kinh tế là nói lên bức tranh kinh tế thực của đất nước, chỉ ra những khó khăn, thách thức, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để Chính phủ có cơ sở trong ban hành và thực thi chính sách, giải pháp phát triển.

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả: Một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết để bổ sung nguồn lực tài chính trong nước, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao cho phát triển đó là khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế, để thị trường tài chính Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Khi vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải: Xây dựng hệ thống thông tin thị trường minh bạch và chuyên sâu; Cải thiện cơ cấu và quy định quản lý rủi ro hoạt động, quản lý rủi ro thị trường và quản lý rủi ro tín dụng để tăng tính cạnh tranh của thị trường tài chính; Thúc đẩy tính minh bạch trên thị trường tài chính, đặc biệt đối với trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường tài chính, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm;Xây dựng và thực thi các giải pháp kiểmsoát vốn phù hợp với yêu cầu của một trung tâm tài chính…

Rõ ràng khi xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đồng nghĩa với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng cấp lên thị trường mới nổi, thực hiện vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng./.

Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/doi-moi-tu-duy-dot-pha-the-che-tao-nen-tang-trong-quan-ly-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-luc-cho-phat-trien-119240903171743715.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/doi-moi-tu-duy-dot-pha-the-che-tao-nen-tang-trong-quan-ly-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-luc-cho-phat-trien-119240903171743715.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐỔI MỚI TƯ DUY, ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ TẠO NỀN TẢNG TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN TÀI LỰC CHO PHÁT TRIỂN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO