Nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nội lực khoảng 24,722 tỷ USD (36%) và hỗ trợ quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD (64%). Tuy nhiên, việc huy động vốn vẫn còn một số hạn chế.
Ngày 10-9-2024, tại diễn đàn “Hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” (do Tạp chí Kinh tế và Dự báo thuộc Bộ KH-ĐT tổ chức tại Hà Nội), các ý kiến nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cấp bách.
Để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Theo Bộ TN-MT, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với hỗ trợ quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.
Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Lân (Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ KH-ĐT) cho biết, hiện nay, chính sách, định hướng phát triển tài chính xanh cũng như về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ và các đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn xanh ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP-C chỉ rõ một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh như thiếu thông tin về đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tài chính thực tế.
“Tiêu chí dự án xanh cũng chưa cụ thể, rõ ràng; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, mà doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Các dự án thường có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; doanh nghiệp đối diện với rủi ro về chênh lệch tỷ giá”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Hội thảo nhằm cung cấp cho đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước những thông tin phản hồi về chính sách huy động dòng vốn xanh ở Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm huy động dòng vốn xanh từ doanh nghiệp.