Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh sẽ phải đối diện với hình phạt nào?

Thanh Hải 23/08/2020 09:11

PLBĐ - Đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng, hành vi bắt cóc bé trai của các đối tượng đã cấu thành tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".

Liên quan đến vụ bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi bắt cóc cháu bé của nghi phạm Nguyễn Thị Thu (SN 1988, quê TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) và Đặng Văn Bằng (SN 1987, quê Tuyên Quang) đã cấu thành tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo Điều 153 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý những kẻ bắt cóc, cơ quan CSĐT sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

"Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội", luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định. 

batcoczing-1598111801944918017852-1598112378671510467249-04054689
 Đặng Văn Bằng và Nguyễn Thị Thu tại cơ quan Công an. (Ảnh: CACC)

Cũng liên quan đến vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trẻ em là tương lai của đất nước, chính vì vậy trẻ em xứng đáng và cần phải được nuôi dưỡng, trưởng thành trong một xã hội an toàn và đầy đủ. Pháp luật hiện nay đã dần hoàn thiện các quy định để bảo vệ môi trường sống của trẻ em và giảm thiểu triệt để, loại trừ các hành vi xâm hại”.

Theo luật sư Bình, thời gian qua, những vụ bắt cóc trẻ em diễn ra ngày càng táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Loại tội phạm này đang trở thành vấn nạn của xã hội.

"Về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định rất rõ tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 ", luật sư Diệp Năng Bình thông tin.

be-trai-mat-tich-bac-ninh2_nlfv
Cháu bé được tìm thấy và trở về với gia đình. (Ảnh: MXH)

Như đã đưa tin trước đó, khoảng 16h ngày 21/8, bố bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) đón cháu đi học về bằng ô tô và đưa ra công viên trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Ninh) chơi. Tuy nhiên khi vừa rời mắt một lúc, bố của cháu Gia Bảo  đã không thấy cháu đâu.

Ngay sau đó, bố cháu bé vội đi tìm, gọi điện báo cho người nhà để thông báo cho Công an tỉnh Bắc Ninh về vụ việc.

Đến chiều 22/8, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng Cục CSHS Bộ Công an và Công an tỉnh Tuyên Quang tìm thấy cháu bé ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) sau hơn 1 ngày bị bắt cóc. Hiện cháu bé an toàn và đã được đưa về gia đình.

Cơ quan Công an xác định, cháu Gia Bảo bị 2 nghi phạm bắt cóc là Nguyễn Thị Thu và Đặng Văn Bằng. Cả 2 đối tượng đã được công an di lý từ tỉnh Tuyên Quang về trụ sở phòng CSHS Công an tỉnh Bắc Ninh để điều tra làm rõ.

Được biết, tại cơ quan Công an, Nguyễn Thị Thu đã khai nhận quá trình phạm tội và ân hận về hành vi của mình. Việc đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc chỉ để được gia đình người yêu đồng ý cho tổ chức đám cưới và không có mâu thuẫn với gia đình cháu bé. 

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 2 người đến 5 người;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 6 người trở lên;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh sẽ phải đối diện với hình phạt nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO