Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công 'biến' đất tư như thế nào?

Theo Văn Thanh 23/07/2024 07:22

Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công "biến" thành đất tư và hiện đang là khu chung cư cao cấp với vị trí đắc địa tại TP HCM.

Khởi tố loạt lãnh đạo doanh nghiệp

Như đã đưa tin, ngày 18/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, MCK: QCG) trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công 'biến' đất tư như thế nào?- Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Đây là diễn biến mới nhất liên quan quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan.

Sau khi VKSND tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và thi hành lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, cơ quan chức năng đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với các bị can, cùng về tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Lê Quang Thung, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; Huỳnh Trung Trực, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Phạm Văn Thành, nguyên Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Nguyễn Thị Gái, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Công Tài, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa; Nguyễn Trọng Cảnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa; Lê Y Linh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín; Nguyễn Thành Châu, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai; Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam; Bùi Thế Chuyên, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam; Nguyễn Minh Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cũng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với:

Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ TN&MT về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cao Đại Nghĩa, Phó Trưởng phòng giá đất Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (hiện là bị can trong vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn), thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Trần Ngọc Thuận, nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TP HCM về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công "biến" thành đất tư

Được biết, các bị can trên bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4, TP HCM). Vậy Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan có liên quan như thế nào với dự án "tai tiếng" này?

Theo tìm hiểu, ban đầu, khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước do Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) quản lý.

Hai doanh nghiệp trên góp vốn lập ra Công ty TNHH Phú Việt Tín (doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch; trong đó, Cao su Đồng Nai góp 72%, còn lại là Cao su Bà Rịa.

Năm 2010, UBND TP HCM có quyết định số 1366 thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư xây dựng thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ.

Năm 2014, UBND TP phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng. Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền.

Đầu tháng 9/2014, QCGL hoàn tất thương vụ nhận chuyển nhượng phần vốn tại Phú Việt Tín do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín sở hữu. Theo phía Quốc Cường Gia Lai, số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2014 của Quốc Cường Gia Lai thể hiện, doanh nghiệp có phát sinh khoản đầu tư 453,7 tỷ đồng vào Dự án Bến Vân Đồn. Tại phần thuyết minh, Quốc Cường Gia Lai cho biết đây là khoản đầu tư mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín để đầu tư dự án Khu Trung tâm thương mại, văn phòng tại căn hộ số 39-39B Bến Vân Đồn.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng nhận chuyển nhượng vốn góp tại Phú Việt Tín, "đại gia phố núi" lại có quyết định số 14/QĐ-HĐQT ngày 14/11/2014, về việc chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Phú Việt Tín cho 2 công ty khác là Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng và Công ty CP Biệt thự Thành phố.

Trong đó, QCG chuyển nhượng cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương 40% vốn điều lệ của Phú Việt Tín với giá hơn 340 tỷ đồng; chuyển nhượng cho Công ty CP Biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương 54% vốn điều lệ với giá hơn 459 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà Quốc Cường Gia Lai thu về sau khi chuyển 94% tỉ lệ vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín là hơn 800 tỷ đồng.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công 'biến' đất tư như thế nào?- Ảnh 2.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã kiểm toán của QCG.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, QCGL đã thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc mua-bán cổ phần tại Phú Việt Tín. Cụ thể, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của QCGL thể hiện, doanh nghiệp ghi nhận lãi gần 382 tỷ đồng từ khoản đầu tư "chớp nhoáng" này.

Theo Đại đoàn kết
https://daidoanket.vn/du-an-39-39b-ben-van-don-tu-dat-cong-bien-dat-tu-nhu-the-nao-10286168.html
Copy Link
https://daidoanket.vn/du-an-39-39b-ben-van-don-tu-dat-cong-bien-dat-tu-nhu-the-nao-10286168.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ đất công 'biến' đất tư như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO