Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), về cuối năm 2024, nhu cầu mua nhà ở tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm. Xu hướng đầu tư sẽ sang các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá.
Theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung trong nửa cuối năm 2024 sẽ được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024, được đóng góp chủ yếu từ phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang.
Thị trường cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng để gia nhập thị trường. Phần lớn các phân khu, dự án mới mở bán đến từ các dự án ở vùng ven thành phố, các tỉnh, thành phố xung quanh hai đô thị đặc biệt.
TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, lực cầu trong dân rất mạnh, không chỉ cầu về nhà ở mà còn cầu về đầu tư cũng rất lớn. Do đó, nhu cầu mua nhà để ở sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, còn nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá...
Tuy nhiên, VARS khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên “săn đón” đất đấu giá, các lô đất đã tách thửa ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá chưa quá cao.
Nhu cầu để ở và nhu cầu đầu tư đều lớn, cùng với nguồn cung dự kiến "bật tăng" vào thời điểm cuối năm sẽ thúc đẩy lượng giao dịch tiếp tục tăng, khoảng 20% so với nửa đầu năm, chủ yếu đóng góp bởi loại hình căn hộ.
Giao dịch và giá bán biệt thự, liền kề, nhà phố cũng sẽ được cải thiện trên diện rộng, nhất là trên thị trường thứ cấp, nhờ nền tảng phục hồi trước đó và kỳ vọng về mức lợi nhuận cao hơn của nhà đầu tư.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào thời điểm cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản phát huy hiệu quả tốt hơn. Từ đó, số lượng xem nhiều, mua cũng nhiều hơn.
Thực tế, ngay trong nửa đầu năm 2024, báo cáo của Hội môi giới cũng đã chỉ ra nhiều tín hiệu khởi sắc với nguồn cung mới và lượng giao dịch tăng mạnh, lần lượt gấp 3 lần và 2,4 lần so với quý trước. Nguyên nhân được cho là niềm tin thị trường phục hồi đáng kể, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp.
Cụ thể, trong quý 2, nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới. Toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công.
Theo phân tích của VARS, lượng giao dịch tăng mạnh do chất lượng nguồn cung và nhu cầu cầu được cải thiện. Nguồn cung chủ yếu là đến từ các dự án căn hộ. Hơn 70% nguồn cung và 75% lượng giao dịch của thị trường bất động sản sơ cấp trong quý 2 được đóng góp bởi phân khúc này. Cho đến thời điểm hiện tại, căn hộ chung cư vẫn đang là phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thanh khoản thị trường.
Các dự án căn hộ mới mở bán, với phần lớn là các dự án có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, tập trung tại Hà Nội, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ rất tốt, lên tới 90% sau một thời gian ngắn chính thức mở bán. Mặc dù mức giá sơ cấp trung bình vẫn liên tục tăng, gần tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2. So với kỳ gốc (quý 2/2019), giá bán căn hộ sơ cấp Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng 27% của thị trường TP.HCM.
Bên cạnh đó, căn hộ chung cư tại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu "tăng tốc" với tốc độ tăng giá trong quý 2/2024 đã vượt qua TP.HCM, dù giá bán căn hộ trung bình tại đây hiện vẫn thấp hơn 2 đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, VARS cho rằng giá căn hộ sơ cấp tại đây vẫn khó giảm.