Đức Trọng

19/04/2024 20:00

Tôi ngồi xuống phóng tầm mắt ra phía thung lũng dưới chân đồi, hít hà mùi ô-xy tinh khiết, mùi hương hoa dìu dịu rồi lặng lẽ thưởng thức những phút giây diệu kỳ của cuộc sống.

Ngay phía trước nhà anh Huy là một con suối rộng, bên bờ suối vàng rực một mầu hoa dã quỳ đúng kỳ nở rộ, đẹp mê ly. Cuối mùa mưa nên nước đang cạn dần, làm lộ cả gốc và rễ của những bụi cỏ già mọc chờm ra lòng suối còn đẫm nước. Nhưng con suối vẫn chảy thành dòng, những luồng nước mang mầu đặc trưng của vùng đất đỏ bazan nơi Cao nguyên Lâm Viên tạo ra tiếng rì rầm mà khi ngồi ở xa mấy chục mét vẫn còn nghe rõ.

Tôi bảo anh Trung:

- Nghe tiếng suối chảy như này em lại nhớ đến hai câu thơ của cụ Ức Trai:

"Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai"

Công nhận ông chủ nhà này sướng thật, ở một chỗ thật ung dung tiêu sái.

Anh Việt nghe hai anh em nói chuyện chợt giả bộ gắt tướng lên:

- Thôi thôi hai ông vào dọn cơm ăn đi, dân trường Mỏ mà thơ với thẩn suốt ngày.

Tôi bật cười:

- Thì anh Trung cũng thích văn chương thơ phú nên em mới nói với anh ấy, chứ có dám nói với anh đâu.

Đức Trọng - Ảnh 1.
Thác Pongour huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Từ bờ con suối đến khoảng sân nhà anh Huy đủ đậu một chiếc xe tải cỡ nhỏ để nhà vườn chuyển nông sản đến và thương lái đến chuyển đi: các loại rau lá rau gia vị rau củ đủ cả, dưa chuột, ớt chuông… Anh có bao nhiêu héc-ta đất tôi chả biết, chỉ ấn tượng khi đi vào, bên trái nhà là vườn hướng dương đang chuẩn bị trổ hoa (trồng lấy hạt để ăn chơi hoặc ép lấy dầu) xanh mướt, đều tăm tắp và bên phải là những vạt rau gia vị vừa qua đận lên mầm nhưng chưa thành lá rõ rệt. Phía dưới sân là vườn rau khoai lang, rau cải, tôi với anh Trung đem chiếc rổ đan bằng nan tre ra hái một lúc được hai rổ tướng, đem vào rửa sạch, anh Hữu bóc tỏi tươi đập dập phi lên xong cho thẳng vào xào luôn (không cần trần qua nước sôi) rồi đem ra hai đĩa to thơm nức bốc khói nghi ngút, anh em đều xuýt xoa với món rau tươi rói, ngọt mát, ăn thấy đã đời luôn.

Anh Huy chỉ tay:

- Cả nhà tôi, tôi thích nhất chiếc ghế đá kê gần bờ suối kia, chỗ thoáng rộng sạch sẽ nhất đấy. Tối ăn cơm xong, hai vợ chồng làm ấm trà ra đó ngồi hóng gió cao nguyên thổi mát rượi. Thi thoảng vợ dễ tính thì tôi làm điếu thuốc, không thì thôi.

Tôi quay qua trêu anh Việt và anh Hữu: Các anh muốn đi resort có khi còn phải sắp xếp thời gian chán chê, sai nhân viên làm đủ thứ xong mới đi được mà ông bà nhà này ngày nào cũng ngồi resort đủ đôi đủ cặp lại sát kề nhà, thấy ghen tỵ ghê. Mấy anh em bật cười vui vẻ.

Anh Huy bảo tôi vào đây 28 năm rồi, trốn nhà đi theo xe khách - thời đó năm thì mười họa mới có một chuyến - chạy qua gần nhà. Nói trốn nhà là không báo với bố mẹ biết, chứ báo chắc gì ông bà đã cho đi. Tôi ấn tượng với người đàn ông ngót nghét 50 tuổi mà mái tóc vẫn đen nhánh, nước da rám nắng và nụ cười rạng rỡ. Lúc mấy anh em từ Đà Lạt xuống vừa đỗ xe bước ra, nghe vợ gọi điện thoại, anh phóng xe máy về. Dựng xe vào góc xong anh chạy thịch thịch thịch vào chỗ mấy anh em đang đứng hồ hởi bắt tay từng người. Tôi trêu anh Việt, nhìn kiểu di chuyển của ông này, anh có thèm muốn không? Anh Việt gật gù, ừ, giờ bụng tao to lắm, chạy được vậy nó khó. Cả mấy anh em lại phá lên cười.

Tôi thích kiểu anh Huy nói chuyện với vợ, đầy đủ, rõ ràng cùng ánh nhìn trìu mến và thường bắt đầu bằng "em ơi…". Lúc mấy anh em đang nhậu, rượu được vài tuần, sẵn mạch chuyện, anh quay qua chọn miếng thịt gà ngon trên đĩa rồi gắp, chấm muối chanh cẩn thận và đặt vào bát chị vợ: "Anh mời em", đúng là "tương kính như tân".

Đức Trọng là huyện sát Đà Lạt, mỗi lần lên Thành phố ngàn hoa này, lúc xuống sân bay Liên Khương thường phải đi qua đây, nhưng hôm nay tôi mới vào sâu trong huyện này, được đi lại ngắm nghía tí chút và ngồi nhậu giữa vùng đất đặc trưng xứ Cao nguyên Trung phần này. Là vùng dân cư giáp thành phố nhưng ở đây đôi chỗ nhà thưa, mấy trăm mét mới có một căn  giữa những cánh đồng hoa hoặc rau. Trước đây khi còn ở quê, có nghe loáng thoáng vài người trong làng đi vào Lâm Đồng "làm kinh tế mới" với những cái tên thoảng qua nghe lạ lẫm: Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương. Tên Đơn Dương làm tôi nhớ đến một diễn viên điện ảnh nổi tiếng ngày xưa, cùng thời với Chánh Tín, Thương Tín, Thúy An... Ông cao lớn, trông cực kỳ manly với nụ cười hiền như Phật Di Lặc cùng khuôn miệng rộng mở. Sau bộ phim "Rồng xanh" đóng cho Hollywood, ông qua Mỹ định cư rồi mất trên đất khách quê người…

Đức Trọng - Ảnh 2.
Hoa dã quỳ

Có đi mới biết, chả riêng gì Đà Lạt, hình như khắp Lâm Đồng này hoa vung vãi bạt ngàn khắp nơi mà chẳng cần trồng. Hoa vàng xen đỏ lẫn trắng trộn hồng... cứ tự mọc tự nở khắp các vạt ruộng vùng đồi khóm cây mô đất, màu sắc đan xen đẹp lung linh mê mải. Lối đi từ sân bay ra, đang đầu tháng 11 nên vàng rực một mầu dã quỳ nở bừng lộng lẫy điểm xuyết vài cây hoa móng cọp đỏ rực tô điểm cho thảm vàng thêm phần đa dạng. Lúc đưa các anh ra sân bay về, tôi và bác tài xế quay xe lại Đà Lạt. Tôi dặn bác là khi nào gặp chỗ dã quỳ nở rộ cho dừng lại ngắm nghía chụp vài kiểu ảnh. Bác tài là dân gốc ở đây, bảo tôi:

- Có những thứ chỉ để tự nhiên, cho tự do, mọc hoang là đẹp chú ơi, như hoa dã quỳ này. "Dã" là "hoang dã" mà. Nó dễ sống lắm, chú muốn trồng cứ lấy một cành chặt ra vài khúc giâm vào đất là sau nó lên cây. Sức sống của dã quỳ mãnh liệt nên người ta thường để mọc và cho ra hoa ở những vùng đất khô cằn, chứ vùng đất màu mỡ trồng hoa để bán, trồng rau để ăn được, có dã quỳ đất dễ bạc mầu. Cùng họ với hướng dương nhưng đài và hạt bé nên không có giá trị kinh tế gì. Muốn chụp ảnh cùng hoa dã quỳ cứ lên đồi cao là có ảnh đẹp chứ chẳng ai bẻ dã quỳ về cắm bình cả.

Lúc mấy anh em đi thì nắng vàng rực rỡ, định chụp mấy tấm hình kỷ niệm bốn anh em mà anh Việt bảo trông thế thôi chứ chụp lên không đẹp lắm đâu, nên lại thôi. Lúc về thì Trời tự dưng mưa lắc rắc nên cảnh quan có phần trầm lắng hơn. Nhưng đi qua những ngọn đồi phủ tràn một mầu vàng mê mải, thi thoảng lại sóng sánh uốn lượn khi những cơn gió cao nguyên hào sảng tràn đến làm tôi đứng lặng cứ muốn thu hết cảnh đẹp vào tầm mắt mà quên chụp ảnh, nhưng nếu có chụp cũng chỉ ghi lại được một vài phần.

Bảo bác tài đợi chút xíu, tôi đi sâu vào ngọn đồi thấp phía bên phải đường về. Càng đi mầu vàng rực rỡ của những thảm hoa dã quỳ càng phủ tràn tầm mắt. Chọn một vạt cỏ không ướt nước, tôi ngồi xuống phóng tầm mắt ra phía thung lũng dưới chân đồi, hít hà mùi ô-xy tinh khiết, mùi hương hoa dìu dịu rồi lặng lẽ thưởng thức những phút giây diệu kỳ của cuộc sống. Đây là lần thứ 5 tôi về Đà Lạt, lần nào đúng mùa dã quỳ tôi cũng đi một mình. Cuối năm, cái lạnh của xứ cao nguyên đã dần chuyển đậm đà, núi đồi trùng điệp rừng cây bạt ngàn dài rộng của Đà Lạt nhưng chẳng phải của tôi, tôi cũng chẳng có ai thân yêu tri kỷ ở chốn này. Yêu Đà Lạt, mê say cảnh đẹp hoa lá cỏ cây sương khói núi đồi, nhưng cứ ở Đà Lạt đến ngày thứ hai là thấy thấm buồn, thấy cô đơn quá, muốn trở lại nhà mình…

Vài trăm năm nữa qua đi

Chẳng ai còn nhớ chuyện gì đâu em

Hoa rực rỡ rồi tàn đen

Bao anh hùng cũng ngủ quên chân đồi

Vây nên, cứ uống mềm môi

Thế gian hư ảo, đổi ngôi từng hồi

Hơn thua, cao thấp cũng thôi

Tham lam, sân hận cũng trôi bồng bềnh

(Đà Lạt, mùa hoa dã quỳ - tháng 11/2023)

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/duc-trong-172240419151031442.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/duc-trong-172240419151031442.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đức Trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO