Trên thực tế, bật điều hòa ở mức nhiệt thấp chưa chắc đã là sự lựa chọn đúng đắn.
Miền Bắc nước ta chuỗi ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè. Nhiệt độ không chỉ đạt ngưỡng cao, trên 30 độ C mà tiết trời cũng vô cùng oi ả, gây ra những cảm giác bức bối, khó chịu. Lúc này, chiếc điều hoà bắt đầu trở thành thiết bị được sử dụng hết công suất trong nhà.
Khi sử dụng thiết bị làm mát này, nhiều người thường sẽ mặc định cứ bật mức nhiệt thấp, chỉ khoảng 20, thậm chí dưới 20 độ C để không gian được làm nhanh và tối ưu. Tuy nhiên trên thực tế, đây chưa phải là sự lựa chọn đúng đắn. Các chuyên gia đánh giá, việc để điều hòa hoạt động liên tục ở mức nhiệt thấp lâu ngày sẽ gây tốn lượng điện năng lớn.
Bên cạnh đó, nó đòi hỏi thiết bị liên tục phải hoạt động ở công suất tối đa, tiềm ẩn nguy cơ gây quá tải, thậm chí là hư hỏng, chập cháy thiết bị. Ở các gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi hay người có sức đề kháng yếu, tiếp xúc với nền nhiệt thấp đột ngột có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Báo cáo mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đăng trên trang Thông tin Chính phủ cho biết, khi các gia đình sử dụng điều hòa liên tục với công suất cao, cũng vô tình khiến lượng điện tiêu thụ trên cả nước tăng cao. Cụ thể, cập nhật đến hết ngày 28/5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc trong 1 ngày vượt 1 tỷ kWh. Con số này tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trên diện rộng, đặc biệt vào những ngày nắng nóng cao điểm.
Chính bởi vậy, EVN đưa ra lời khuyên rằng, các gia đình nên duy trì thói quen sử dụng điện hợp lý để tiết kiệm, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm trong ngày là khung giờ trưa 11h00 - 15h00 và khung giờ tối 19h00 - 23h00.
Cũng theo EVN, nhiệt độ lý tưởng nhất để các gia đình duy trì hoạt động của điều hòa đó là từ khoảng 26 - 27 độ. Khi mới khởi động thiết bị, người dùng có thể cài mức nhiệt thấp, khoảng 20 độ C, rồi tăng dần lên mức nhiệt ổn định như trên.
Việc sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý không chỉ giúp tiết kiệm điện năng, đảm bảo tuổi thọ cho thiết bị bởi hoạt động ở công suất vừa phải mà còn hạn chế được các rủi ro thiết bị bị quá tải. Bên cạnh nhiệt độ khi bật điều hòa, người dùng cũng có thể cân nhắc về các chế độ khác trên điều hòa, hoặc sử dụng điều hòa kết hợp với các phương pháp khác để việc làm mát không gian được tối ưu.
Có thể tham khảo cách vừa bật quạt vừa kết hợp với bật điều hòa. Nhiều người dùng cho rằng cách làm này sẽ gây tiêu tốn điện năng hơn, song thực tế lại không phải. EVN hướng dẫn, khi bật điều hòa ở nhiệt độ 26 - 27 độ, nếu gia đình cảm thấy chưa đủ mát, hãy bật thêm quạt ở chế độ nhẹ. Sự kết hợp này sẽ làm phòng mát nhanh hơn, đều hơn và cả 2 thiết bị đều được hoạt động ở công suất vừa phải.
Với các gia đình có nhu cầu bật điều hòa qua đêm, hãy tham khảo sử dụng tính năng hẹn giờ hoặc tính năng ngủ của thiết bị. Các tính năng này cho phép người dùng cài đặt điều hòa tự động tắt ở một khoảng thời gian nhất định. Khi này, không gian cũng đã được làm mát tương đối, chính bởi vậy việc ngưng hoạt động sẽ giúp thiết bị được nghỉ ngơi, đồng thời tiết kiệm điện năng.
Sử dụng quạt kết hợp điều hòa, hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ/chế độ ngủ cũng là một phương pháp giúp tiết kiệm (Ảnh minh họa)
Một số lời khuyên khác đến từ EVN hay các chuyên gia lâu năm trong ngành điện lạnh để các gia đình sử dụng điều hòa được hiệu quả, tiết kiệm và an toàn hơn có thể kể tới như:
- Không bật tắt điều hòa liên tục trong một khoảng thời gian ngắn. Việc khởi động lại thiết bị liên tục thậm chí sẽ khiến điều hòa tốn điện gấp 3 lần bình thường.
- Khi bật điều hòa nên giữ không gian tương đối kín, nếu có thể hãy sử dụng rèm cửa để nhiệt độ không gian cũng được giảm tự nhiên.
- Nên hạn chế việc bật điều hòa liên tục cả ngày. Tốt nhất người dùng chỉ nên sử dụng điều hòa vào những khung giờ cao điểm, cân nhắc về sự cần thiết ở những khung giờ khác.
- Không nên sử dụng điều hòa ở công suất cao cùng lúc với các thiết bị khác trong nhà.
- Duy trì thói quen vệ sinh, kiểm tra điều hòa định kỳ để phát hiện các vấn đề, hỏng hóc kịp thời.