Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần bao nhiêu nhân sự vận hành khai thác dự án?

02/10/2024 08:05

Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Có những nhân lực sẽ được đào tạo từ sớm (ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư) để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần bao nhiêu nhân sự vận hành khai thác dự án?- Ảnh 1.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt

Tại buổi trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ GTVT tổ chức, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực được xác định thực hiện theo 3 loại hình đào tạo (Đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

Ngoài các nhân sự được đào tạo bằng kinh phí của dự án theo quy định (quản lý dự án, vận hành khai thác), việc đề xuất bố trí kinh phí từ dự án để đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển cũng được thực hiện.

Cần gần 14.000 nhân sự vận hành khai thác dự án

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần bao nhiêu nhân sự vận hành khai thác dự án?- Ảnh 3.

Cũng theo ông Phương, theo tính toán, công tác quản lý dự án đào tạo cần 700 - 1.000 nhân sự; Đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 - 1.300 nhân sự; Đơn vị vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân sự; Lĩnh vực nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 nhân lực.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Có những nhân lực sẽ được đào tạo từ sớm (ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư) để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Về phương án bố trí hệ thống ga và tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC), dự án được bố trí 23 ga, khoảng cách trung bình 50 - 70 km với nguyên tắc các ga phải tiếp cận trung tâm đô thị, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất và đô thị phải có trên 500 nghìn dân mới bố trí ga.

Trong tổ chức khai thác ĐSTĐC cũng không phải ga nào tàu cũng dừng. Kinh nghiệm tại tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), người ta tổ chức nhiều mác tàu trong cùng 1 ngày. Giờ cao điểm/dịp cao điểm nhu cầu cao khai thác tần suất, tốc độ cao. Suốt chặng tuyến, có những mác tàu được xây dựng biểu đồ chạy tàu chỉ dừng một vài ga.

Về vận tải, đây là tuyến đường sắt chủ yếu phục vụ hành khách, chở hàng khi cần thiết (hàng nhẹ, có giá trị cao). Trong quy hoạch, phân bổ hàng khô, hàng rời với các phương thức vận tải khác với chi phí hợp lý hơn.

Đối với vận chuyển hàng hoá bằng tàu ĐSTĐC, kinh nghiệm ở một số quốc gia châu Âu, phương án tổ chức tàu thực hiện vào ban đêm do đây là thời điểm hành khách ít đi lại.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần bao nhiêu nhân sự vận hành khai thác dự án?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO