Theo luật sư, hành vi trốn cách ly của ông D. nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây tốn kém cho xã hội, thì đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, Ban điều hành khu cách ly Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa phát hiện vụ việc hoán đổi người để trốn cách ly tập trung.
Cụ thể, ông T.Đ.D. (39 tuổi, trú tại phường 11, TP Đà Lạt) đang cách ly thay cho ông Đ.N.D. (51 tuổi, diện F1, phải cách ly tập trung).
Trước đó, đêm 2/6, khu cách ly tập trung Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận ông Đ.N.D. vào cách ly theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.
Sáng 4/6, cán bộ tại khu cách ly tiến hành lấy thông tin cá nhân, khai báo y tế, phát hiện ông T.Đ.D. đang cách ly "thế thân" cho ông Đ.N.D.
Ngay sau đó, ban điều hành khu cách ly làm việc với ông T.Đ.D., đồng thời thông báo cho Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương về sự việc hoán đổi người cách ly này. Cơ quan chức năng cũng xác minh nhân thân và nơi cư trú của ông Đ.N.D.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương đã đưa ông Đ.N.D. bàn giao cho khu cách ly, thực hiện cách ly tập trung theo quy định; bổ sung quyết định áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với trường hợp đi cách ly thay là ông T.Đ.D.
Liên quan tới vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết xét về mặt bản chất, ông Đ.N.D. thực hiện hành vi mượn người "thế thân" đi cách ly tập trung là nhằm mục đích trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế mà trước đó Chủ tịch UBND Huyện Lạc Dương đã ban hành.
Việc xử lý đối với hành vi trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly này được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ. Theo đó, hành vi này sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông này buộc phải thực việc cách ly y tế.
"Ngoài ra, ông D. là F1 (theo hướng dẫn tại Quyết định số 5053/QĐ-BYT ngày 3/12/2020, của Bộ Y tế thì F1 được hiểu là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế), nghĩa là ông Đ.N.D thuộc đối tượng nghi ngờ mắc bệnh.
Do đó, hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly của ông Đ.N.D có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong trường hợp gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác", luật sư Công nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Công, việc xác định trách nhiệm của ông Đ.N.D. trong trường hợp này (chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính hay đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ phụ thuộc vào hậu quả phát sinh trên thực tế do hành vi trái pháp luật mà ông này gây ra.
"Nếu xác định vì sự trốn cách ly kia mà bản thân ông D. đã nhiễm và đã lây cho người khác hoặc sau khi ông này bị phát hiện làm kích hoạt hệ thống phòng bệnh của xã hội qua hình thức cách ly nhiều người khác, gây tốn kém cho xã hội thì đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự", vị luật sư này nhấn mạnh.
Theo Xuân Duy/Dân trí