Ga Ngọc Hồi (Hà Nội) - ga hành khách đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kết nối thuận lợi với đường sắt đô thị, đường bộ, hàng không và đường sắt quốc gia.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội khóa XV thông qua với quy mô đầu tư tuyến mới dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo tiền khả thi, tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi trên địa bàn Hà Nội khoảng 27,9km, hướng tuyến từ ga Ngọc Hồi cơ bản đi theo hành lang quy hoạch; đến cuối huyện Phú Xuyên, hướng tuyến tách ra hướng về phía Đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn trên địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Tiếp đó tuyến vượt QL1, đường sắt hiện tại đi về phía Đông đường bộ cao tốc về thành phố Phủ Lý. Ga Phủ Lý đặt tại xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý, gần khu vực nút Liêm Tuyền, phía đông đường bộ cao tốc.
Ga khách tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở Ngọc Hồi đặt trong tổ hợp Ngọc Hồi tại các xã Ngọc Hồi, Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Hà Nội dự kiến dành khoảng 250ha cho tổ hợp Ngọc Hồi để xây dựng đầy đủ chức năng của một ga đầu mối quốc gia và đô thị.
Về quy mô, ga khách đường sắt tốc độ cao Ngọc Hồi được định hướng có 4 đường 2 ke, chức năng là ga đầu mối ở phía Bắc, tất cả các tàu đều dừng.
Depot Ngọc Hồi dự kiến bố trí tại khu vực phía Tây của tổ hợp Ngọc Hồi, diện tích khoảng 70ha. Depot đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được sử dụng để chứa và dồn dịch các đoàn tàu trước khi thực hiện các tác nghiệp bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đầu máy, toa xe, kiểm tra các phương tiện thi công đường…
Trạm bảo dưỡng được bố trí trong khu vực depot Ngọc Hồi để tăng hiệu quả sử dụng đất. Trạm bảo dưỡng được sử dụng để dồn dịch các phương tiện bảo trì (máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát…) và chứa vật tư, vật liệu cho khu gian Hà Nội - Phủ Lý.
Còn tại xã Nguyễn Trãi và Văn Phú (huyện Thường Tín) bố trí ga hàng Thường Tín, là ga đầu mối hàng phía Nam của Hà Nội. Tuy nhiên quy mô sẽ được tính toán trong các bước tiếp theo của dự án.
Về kết nối, tại khu vực Ngọc Hồi quy hoạch đầy đủ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ: Đường vành đai 3,5, Vành đai 4, QL1, 3 tuyến đường sắt đô thị (1, 1A, 6) và hệ thống xe buýt, quảng trường để đáp ứng các loại phương tiện taxi, xe cá nhân tiếp cận. Cùng đó kết nối 4 tuyến đường sắt quốc gia nên sẽ giúp giải tỏa nhanh chóng, thuận tiện lưu lượng hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Riêng kết nối đường sắt, từ tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với mạng lưới đường sắt phía Bắc sông Hồng thông qua hệ thống đường sắt vành đai phía Đông và phía Tây theo quy hoạch; kết nối với trung tâm TP Hà Nội qua tuyến đường sắt đô thị số 1; kết nối với cảng hàng không quốc tế Nội Bài thông qua tuyến đường sắt đô thị số 6; kết nối cảng biển Hải Phòng, liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.
Ngày 30/11, Quốc hội khóa XV thông qua Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng; sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.