Mặc dù nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu như gạo, cà phê, tiêu có xu hướng giảm, nhưng xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt con số tăng trưởng khá.
Gạo, cà phê hụt hơi
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 4 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu có xu hướng giảm.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 với 35,4% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 434USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu cà phê tháng 4/2019 ước đạt 141.000 tấn với giá trị đạt 236 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 629.000 tấn và 1,1 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cà phê không chỉ giảm ở những thị trường vốn đã có sự suy giảm về khối lượng xuất khẩu mà ở cả một số thị trường có sự tăng trưởng khối lượng xuất khẩu như Nga (tăng 7,7%), Anh (tăng 4,7%), Trung Quốc (tăng 2%). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 1.740 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặt hàng tiêu cũng vẫn chìm trong ảm đạm khi khối lượng xuất khẩu tháng 4/2019 ước đạt 34.000 tấn, với giá trị đạt 87 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng ước đạt 105.000 tấn và 276 triệu USD, tăng 21,4% về khối lượng nhưng giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trái cây, thủy sản, đồ gỗ bứt phá
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu thì một số mặt hàng như trái cây, thủy sản, đồ gỗ đã có những bứt phá ngoạn mục, kéo lại cán cân xuất khẩu.
Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2019 ước đạt 694 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4/2019 ước đạt 462 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 với 704,71 triệu USD (chiếm 72,38% thị phần).
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2019 ước đạt 832 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết 3 tháng đầu năm 2019, ngành gỗ đạt thặng dư thương mại lớn nhất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với giá trị 1,7 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2018. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Ngoài ra, Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật với EU (VPA/ FLEGT) có hiệu lực trong năm 2019 sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: “Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng”.
Đối với những mặt hàng khác, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá lúa, gạo trong nước tăng nhẹ trong tháng tới do nguồn cung cuối vụ thắt chặt, nhu cầu thu mua cho xuất khẩu dự báo tăng cao; trong khi giá hạt tiêu sẽ khó có khả năng tăng mạnh vì nguồn cung hạt tiêu toàn cầu vẫn dồi dào.
Với mặt hàng trái cây, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội của các sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam (xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa) đã được xuất khẩu sang Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này.
(Theo Dân Việt)