Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, vừa cấp cứu nội soi gắp hành công chân sắc nhọn trong thực quản bé gái.
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, bé gái 6 tuổi được đưa tới viện vì kêu đau họng, nuốt khó khăn sau khi ăn bánh sinh nhật.
Tiến hành chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện thủ phạm là dị vật vị trí phần mềm ngang mức bờ trước thân đốt sống C6, nghi là chân nến sắc nhọn.
Khi tiến hành nội soi dị vật, các bác sĩ đã lấy ra dị vật có là một chân nến có đầu nhọn nằm ở vị trí 1/3 giữa thực quản làm rách niêm mạc thực quản.
Gắp chân nến sắc nhọn trong thực quản bé gái.
Trước đó, tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) các bác sĩ cũng gắp ra dị vật là một viên bi sắt trong ổ bụng của cháu bé 21 tháng tuổi.
Người nhà bệnh nhi cho biết, khi phát hiện bé ngậm viên bi sắt, bà nội sợ cháu nuốt nên đã khoắng tay vào miệng cháu để lấy bi Theo phản xạ em bé bị giật mình nên nuốt xuống bụng.
Trên hình ảnh phim X-quang các bác sĩ phát hiện vùng bụng của bệnh nhi có dị vật là viên bi sắt có kích thước lớn, nếu để lâu trong bụng bị thức ăn quấn quanh sẽ trở thành lõi, khối bã thức ăn lớn dần gây hẹp môn vị, có thể gây tắc ruột.
Chưa kể, viên bi sắt có thể có rỉ sét dễ gây viêm nhiễm hoặc áp xe, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột nguy hiểm đến tính mạng…
Viên bi sắt trong dạ dày bệnh nhân được các bác sĩ gắp ra.
Tiến sĩ, bác sĩ Bác sĩ Mai Thị Hội đã thực hiện ca can thiệp nội soi ống mềm để gắp dị vật viên bi cho cháu bé. Do viên bi sắt tròn và trơn tuột, các bác sĩ đã rất khó khăn khi gấp dị vật. Bác sĩ đã phải dùng rọ gắp sỏi chuyên biệt và tập trung tinh thần cao độ, thận trọng hết sức. Nếu sơ sấy để viên bi rơi vào khí quản thì chỉ sau 3 phút trẻ có thể bị di chứng não suốt đời và trong vòng 5 phút trẻ có nguy cơ bị tử vong.
TS Hội cũng cảnh báo, tai nạn hóc dị vật ở trẻ em rất nguy hiểm. Có những ca hóc dị vật gây tắc nghẽn đường thở khiến trẻ tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Vì thế, khi thấy trẻ nhỏ có dấu hiệu hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh sơ cứu và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.
Ngoài những trường hợp hóc được phát hiện ngay do trẻ khó thở, khò khè ngay sau hóc, cha mẹ cũng cần chú ý đến “hội chứng xâm nhập thoáng qua” khi trẻ bị hóc dị vật. Dị chứng này rất dễ dễ bị bỏ qua.
Biểu hiện khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng nên nhiều người nhầm tưởng dị vật đã được trôi xuống, bé hết hóc.
Thực tế, nhiều trẻ bị khó thở, ho dai dẳng sau đó do dị vật vẫn còn nằm trong thực quản, đường thở ép vào thanh quản, khí quản. Vì thế, sau cơn ho sặc sụa của trẻ, dù trẻ đỡ triệu chứng, trở lại bình thường thì cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi trẻ, nếu vẫn thấy trẻ húng hắng ho, khò khè thì nên đưa trẻ tới viện.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cẩn trọng, kiểm tra kỹ các loại đồ ăn của trẻ trước khi cho các bé ăn. Trường hợp trẻ em hóc xương cá, đồ ăn, dị vật lẫn trong thức ăn xảy ra khá nhiều. Đặc biệt với ăn thạch cần phải hết sức chú ý, miếng thạch mềm nên khi hóc nó sẽ ôm trọn lấy đường thở của trẻ, gây ngạt nhanh chóng.
Cha mẹ cũng cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ, không cho trẻ chơi các loại đồ chơi có chi tiết nhỏ, sắc nhọn, các đồ chơi dạng hạt như hạt vòng, viên bi... để phòng trẻ đưa vào miệng gây hóc.
(Theo Hồng Hải/Dân trí)