Ghép giác mạc từ người đã mất cho hai bệnh nhân mù lòa

Mai Nguyên (th) 31/10/2022 15:42

PLBĐ - Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép giác mạc thành công cho hai bệnh nhân từ nguồn giác mạc của bệnh nhân nữ hiến tặng khi qua đời tại nhà riêng ở Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk.

Theo Vietnamnet, trưa 31/10, Bệnh viện Trung ương Huế làm thủ tục xuất viện cho 2 bệnh nhân được ghép giác mạc thành công là Nguyễn Tiến D. (70 tuổi) và Phan V. (84 tuổi, cùng trú TP. Huế, tỉnh TT-Huế).

2 bệnh nhân này vừa được Bệnh viện Trung ương Huế ghép giác mạc thành công từ nguồn giác mạc của bệnh nhân nữ Trần Thị Ánh T. hiến tặng khi qua đời tại nhà riêng tại Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk.

Trước đó, ngày 10/10, ngay sau khi nhận được thông tin có người hiến tặng giác mạc từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mạng lưới ghép giác mạc của Bệnh viện Trung ương Huế đã khởi động hệ thống và theo dõi sát tình hình.

6h ngày 15/10, ngay sau khi bệnh nhân hiến tặng qua đời tại nhà riêng, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh - công tác tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắc Lắk; thành viên mạng lưới ghép giác mạc đã tiến hành thu nhận giác mạc, đảm bảo thời gian vàng và chất lượng giác mạc hiến.

Cùng thời điểm, các bác sĩ tại Trung Tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành khám, chọn lọc những người phù hợp nhất từ danh sách dài chờ ghép giác mạc tại đơn vị.

Hai bệnh nhân D. và V. bị bệnh lý giác mạc đã lâu, sống trong cảnh mù lòa trên 10 năm nay (một mắt đã hỏng hoàn toàn), luôn hy vọng sẽ được nhìn thấy ánh sáng. Sau khi tìm hiểu các chỉ số tương thích, các bệnh nhân này đã được đưa vào danh sách nhận giác mạc hiến tặng.

Ghép giác mạc từ người đã mất cho hai bệnh nhân mù lòa  - Ảnh 1.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật, ghép giác mạc cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trong 2 ngày 19 và 20/10, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Mắt đã tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân, sau ghép, diễn tiến rất tốt.

Một tuần sau phẫu thuật, cả hai bệnh nhân đã được hồi phục một phần thị lực. Họ đã có thể tự đi lại và nhìn mọi thứ trong tầm 2-3m. Những ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi sát để đảm bảo quá trình hồi phục của giác mạc ghép tốt nhất.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, kết quả tốt đẹp của 2 ca ghép giác mạc trên chứng tỏ hoạt động hiệu quả của mạng lưới Ghép giác mạc Miền trung và Tây Nguyên, đáp ứng kịp thời được các yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn và thời gian khi thu nhận giác mạc ở những nơi xa, đáp ứng được tâm nguyện của người hiến.

"Tập thể các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ thành viên của mạng lưới ghép giác mạc và các bệnh nhân đã được ghép giác mạc xin thành kính tri ân, cám ơn tấm lòng cao đẹp của chị Trần Thị Ánh T. và gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp, mang ánh sáng của mình để trao tặng cho người khác", lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế bày tỏ.

Trước đó, ngày 1/7, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức "Hội thảo nhãn khoa và thành lập mạng lưới ghép giác mạc Miền trung Tây Nguyên - Bệnh viện Trung ương Huế 2022".

Hội thảo với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Ngân hàng mắt Trung ương; Hội Nhãn khoa Việt Nam; lãnh đạo, báo cáo viên là bác sĩ chuyên gia đầu ngành về ghép giác mạc của các Bệnh viện mắt TW, Bệnh viện mắt TPHCM; các Bệnh viện khu vực phía Bắc, phía Nam; các Bệnh viện Tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các Trường Đại học Y Dược trên cả nước.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, ghép tạng là một trong mười thành tựu lớn nhất của y học nhân loại trong thế kỷ XX. Đến nay, ghép tạng đã trở thành phương pháp điều trị rộng rãi và hiệu quả đối với các bệnh lý tạng giai đoạn cuối. Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt nhất là chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam từ năm 1992 đến 2022 có khoảng 6.550 trường hợp ghép tạng được tiến hành với tỷ lệ sống thêm sau ghép 1-5 năm từ 80 - 90%.

Trong khi đó, bệnh lý giác mạc là nguyên nhân gây mù đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Ước tính hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 30.000 người bị mù do bệnh giác mạc (2019). Những người này có thể nhìn thấy ánh sáng nếu được ghép giác mạc. Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 200 người đang đợi ghép giác mạc do sẹo giác mạc. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc.

Mạng lưới ghép giác mạc khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm 12 bệnh viện đã chính thức ra mắt và ký kết bản ghi nhớ tham gia các nhiệm vụ trong mạng lưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ghép giác mạc từ người đã mất cho hai bệnh nhân mù lòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO