Giá điện tăng 3%, CPI và hàng hóa chợ dân sinh sẽ tăng ra sao?

20/05/2023 06:40

GĐXH - Theo chuyên gia, với giá điện mới áp dụng từ 4/5, mức chi thêm với điện sinh hoạt lần lượt là 12.000 đồng/tháng với mức tiêu thụ 200kWh, 35.600 đồng/tháng với mức 400 kWh. Các ngành sản xuất thép sẽ tăng giá thành khoảng 0,18%, xi măng là 0,45%; sản xuất giấy tăng 0,4%.

Ngày 05/5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng: "Mức tăng 3% theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm túc khi điều chỉnh giá điện không "giật cục", có lộ trình, đảm bảo ổn định tình hình chính trị xã hội và hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân".

Theo ông Thỏa, giá bán lẻ điện bình quân chung tăng 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, tức là tăng 56 đồng/kWh từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng.

Với người tiêu dùng, cứ tiêu thụ 50kWh/tháng, mức chi thêm theo giá mới là 2.550 đồng/tháng; 

Mức chi thêm của 200kWh/tháng là 12.000 đồng/tháng;

Với mức tiêu thụ 400 kWh/tháng, mức chi thêm là 35.600 đồng/tháng.

Giá điện tăng 3%, CPI và hàng hóa chợ dân sinh sẽ tăng ra sao? - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Nhà nước cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính dù có điều chỉnh 3% nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Thỏa khẳng định: "Đối với doanh nghiệp, mức tăng 3% là rất thấp trong bối cảnh các doanh nghiệp dùng điện đang còn nhiều khó khăn. Dù vậy, mức tăng 3% vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới".

Với chỉ số giá tiêu dung (CPI), ông Thỏa cho rằng, mức tăng giá điện lần này sẽ tác động, làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%.

Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất sử dụng điện nhiều như ngành sản xuất thép, mức tăng khoảng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng là 0,45%; sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Theo ông Thỏa, Nhà nước cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính dù có điều chỉnh 3% nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải đăng ký giá, các doanh nghiệp nhà nước còn định giá… phải kê khai, báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh khi giá điện tăng 3%.

Việc làm này nhằm tránh tình trạng giá điện tăng kéo theo giá các mặt hàng hóa của chính những doanh nghiệp đó tăng. Đồng thời, tránh "lôi kéo" các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa ở chợ dân sinh tăng theo, nguy cơ khó khăn thêm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Ngày 4/5, Bộ Công thương có Quyết định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, cụ thể:

Giá bán lẻ điện sinh hoạt (6 bậc):

Bậc 1, từ kWh 0-50 kWh/ tháng, giá bán lẻ điện là 1.728 đồng/kWh;

Bậc 2, từ kWh 51-100 kWh/ tháng giá bán là 1.786 đồng/kWh;

Bậc 3, từ kWh thứ 101- 200 kWh/ tháng giá điện là 2.074 đồng/kWh;

Bậc 4, từ kWh thứ 201-300 kWh/ tháng, giá bán là 2.612 đồng/ kWh;

Bậc 5, từ kWh thứ 301- 400 kWh/ tháng giá bán là 2.919 đồng/kWh.

Bậc 6, từ 401 kWh/tháng trở lên, giá bán là 3.015 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện cho kinh doanh:

Cấp điện áp từ 22kV trở lên: Giờ bình thường là 2.516 đồng; giờ thấp điểm là 1.402 đồng và 4.378 đồng giờ cao điểm.

Cấp điện từ 6 – 22kV: Giờ bình thường là 2.708 đồng; giờ thấp điểm là 1.594 đồng; 4.532 đồng/kWh đối với giờ cao điểm.

Cấp điện dưới 6kV: Giờ cao điểm là 4.724 đồng/kWh; giờ thấp điểm là 1.671 đồng và giờ bình thường là 2.746 đồng/kWh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá điện tăng 3%, CPI và hàng hóa chợ dân sinh sẽ tăng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO