Theo các tiểu thương, 2 đợt bão vừa tràn vào đất liền là nguyên nhân chính khiến giá rau tăng vọt trong thời gian qua và những ngày tới đây, giá rau sẽ tiếp tục “phi mã” do ảnh hưởng từ khối không khí lạnh đang bao trùm toàn miền Bắc.
Ngày 21/10, ghi nhận của PV Giadinh.net.vn (Báo Sức khỏe & Đời sống tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, như chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), chợ La Cả (Hà Đông), chợ Nam Đồng (Đống Đa)… giá rau xanh tăng mạnh so với tuần trước đó từ 5.000 – 10.000 đồng/bó, tùy loại.
Cụ thể, rau mồng tơi, rau muống có giá 14.000 – 15.000 đồng/bó; rau cải thảo là 17.000 – 19.000 đồng/kg; cải ngồng là 26.000 – 28.000 đồng/kg. Thậm chí, tại chợ Nam Đồng, rau cải thảo có giá lên đến 30.000 – 32.000 đồng/kg.
Ngoài ra, rau cải canh là 15.000 đồng/bó, trong khi trước đó, loại rau này chỉ có giá khoảng 5.000 – 7.000 đồng/bó, tùy địa điểm bán.
Giá rau xanh không chỉ tăng ở các chợ dân sinh, chợ tạm mà với những tiểu thương nhỏ lẻ, tiêu thụ hàng hóa qua các kênh mạng xã hội thì giá rau xanh, củ quả cũng "nhảy vọt".
Chị Đỗ Thị Kim Liên (34 tuổi, ở chung cư Xuân Mai, Hà Đông) khẳng định: "Trước ngày 12/10, giá rau vẫn chưa có sự xê dịch nhưng từ khi xuất hiện cơn bão số 7, số 8 và sau bão, giá của hầu hết tất cả các loại rau xanh đều có sự thay đổi".
Theo chị Liên, trong số các mặt hàng rau xanh tăng giá, không thể không kể đến rau cải mơ, cải bó xôi, rau muốn, mồng tơi, ngót… song, tăng nhiều nhất phải là hành hoa và rau cải.
Đơn cử, trước 12/10, rau cải mơ, cải ngồng, mồng tơi có giá 7.000 đồng/bó, cải ngọt là 25.000 đồng/kg, chanh tươi 15.000 đồng/kg thì đều tăng từ 5.000 – 7.000 đồng.
Chị Liên cho biết: "Đợt tăng giá này, không chỉ có mặt hàng rau xanh mà củ quả cũng có sự xê dịch, như chanh tươi giá nhập lên, thì giá bán tôi cũng phải để 20.000 đồng/kg thì mới có lãi. Do ảnh hưởng của thời tiết nên hầu hết giá của các mặt hàng rau đều tăng. Giai đoạn này, chỉ có một số mặt hàng giữ giá là nấm, dứa, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, ngô ngọt".
Giá rau xanh không chỉ ảnh hưởng do bão mà chất lượng rau đến tay tiểu thương những ngày qua cũng không tránh khỏi sự dập nát, hư hỏng nhẹ.
Chính bởi lẽ đó, nên từ ngày 20/10, chị Liên đã báo khách tạm ngừng cung cấp rau xanh vài ngày. Theo đó tạm thời trước mắt, chị Liên chỉ cung cấp mặt hàng củ, quả.
"Theo kinh nghiệm bán hàng của mình thì tôi lo ngại thời gian tới, khi miền Bắc có nền nhiệt giảm kéo dài thì giá rau xanh, củ quả sẽ tiếp tục xê dịch theo hướng đi lên", chị Liên cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Bút – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã rau Tiền Lệ (ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, mưa bão nhiều ngày kèm theo hơi lạnh khiến rau ăn lá bị ảnh hưởng. Một số loại rau không chịu được nước ngập nên không thể xuất bán. Cũng vì ảnh hưởng của mưa bão mà lượng rau xuất ra các đầu mối giảm xuống còn 50%. Nếu như trước kia, hợp tác xã này bán ra thị trường từ 12 – 14 tấn/ngày thì những ngày gần đây, sản lượng xuất bản chỉ ở ngưỡng 5 – 6 tấn/ngày.
Theo Sở Công thương, diện tích canh tác rau tại Hà Nội chỉ đáp ứng 60 – 70% nhu cầu tiêu dùng.
Để đảm bảo nguồn cung, đơn vị này đang đẩy mạnh liên kết với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… đưa rau về Hà Nội tiêu thụ. Tuy nhiên, hơn 1.000ha rau màu vụ Đông chuyên canh ở các huyện ngoại thành chuẩn bị được thu hoạch nên sẽ giải quyết nhu cầu về rau cho người dân Thủ đô trong thời gian tới.