Tối ngày 16/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng dựng đứng và thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử.
Kim loại quý màu vàng đã tăng gần 50 USD/ounce và vượt mốc 2.500 USD/ounce, phá vỡ kỷ lục trước đó 2.484 USD/ounce trong tháng 7. Trước đó, giá vàng tương lai cũng đã vượt mốc 2.500 USD/ounce hồi đầu tháng 8.
Sau khi lập đỉnh, kim loại quý này quay đầu giảm nhẹ, hiện ở mức 2.495 USD/ounce.
Việc chỉ số đô la Mỹ (DXY) suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm đã giúp vàng hưởng lợi. Trong khi giá vàng giao ngay lần đầu vượt mốc 2.500 USD, giá vàng giao tháng 12 cũng đã tăng lên 2.515 USD/ounce. Đồng USD chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị leo thang cũng ngày càng thúc đẩy nhu cầu sở hữu vàng.
Sự chú ý của thị trường giờ đây sẽ tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell vào thứ Sáu tuần tới. Theo Reuters, các chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ được công bố trong tuần này cho thấy lạm phát đang tạm lắng, có thể giúp FED cắt giảm lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản vào tháng tới. Chủ tịch FED bang Chicago, ông Austan Goolsbee cho biết nền kinh tế Mỹ không có dấu hiệu quá nóng, vì vậy các quan chức ngân hàng trung ương nên cảnh giác với việc duy trì chính sách thắt chặt lâu hơn mức cần thiết.
Theo Everett Millman, nhà phân tích thị trường chính của Gainesville Coins, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng cũng đang gia tăng do các cuộc xung đột địa chính trị đang diễn ra và khả năng leo thang hơn nữa khi mà Iran có thể tham gia vào căng thẳng Trung Đông. Vàng thỏi vẫn được coi là hàng rào chống lại những bất ổn về địa chính trị và kinh tế, đồng thời luôn có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp.