Cử tri 6 tỉnh, thành phố kiến nghị loạt vấn đề liên quan đến quản lý thị trường vàng, có giải pháp bình ổn thị trường trong nước; kịp thời xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường vàng…
Những ngày qua, giá vàng trong nước "dậy sóng" theo thế giới khi giá vàng quốc tế liên tục lập đỉnh mới.
Ngày 28-9, giá vàng thế giới chốt tuần ở mức 2.658 USD/ounce, giảm khoảng 25 USD so với mức kỷ lục trong tuần là 2.685 USD/ounce nhưng đây vẫn là vùng cao nhất trong lịch sử nhân loại của kim loại quý. Nếu tính từ đầu năm đến giờ, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30%, mức tăng theo năm cao nhất trong hơn chục năm qua. Giá vàng miếng SJC ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, cao nhất trong gần 4 tháng qua; giá vàng nhẫn 24K các loại lập đỉnh lịch sử, vượt 83 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 20 triệu đồng, tương đương 31,7% so với đầu năm nay.
Trước những diễn biến "nóng bỏng" của giá vàng, cử tri nhiều tỉnh, thành phố từ TP HCM tới Hà Nội, Bình Thuận, Hưng Yên, Quảng Nam, Tây Ninh, Thái Bình... cùng gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước liên quan đến nhiều giải pháp ổn định thị trường vàng.
Cử tri 6 tỉnh, thành phố khác kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp bình ổn thị trường vàng trong nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý liên quan một số nội dung như:
Công bố lộ trình quản lý, siết chặt quản lý. Đề nghị có khoảng thời gian hợp lý, khả thi để doanh nghiệp thực hiện, giảm bớt vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra thị trường vàng. Trường hợp kiểm tra đột xuất cần bảo đảm minh bạch; đúng quy định; nhất là người kiểm tra phải được xác định là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp; thậm chí có thể có đối tượng thực hiện hành vi giả danh, lừa đảo.
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vàng, cử tri cũng nêu hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, cử tri kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho, theo một thời điểm mà nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng/đủ các quy định về quản lý liên quan. Từ đó, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý…
Trả lời cử tri về giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao.
Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014-2021, từ cuối năm 2021 tới nay chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng. Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Nguyên nhân chênh lệch giá vàng ở mức cao so với thế giới là do giá vàng quốc tế tăng cao. Từ 2014, Ngân hàng Nhà nước không cung thêm vàng miếng SJC. Mặc dù trong các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới bắt đầu có xu hướng tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước không thực hiện can thiệp thị trường do vàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ngoại tệ cần phải được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu của đất nước.
Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác gặp khó khăn: thị trường bất động sản ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bế tắc, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp... Không loại trừ khả năng tồn tại việc thao túng thị trường, trục lợi, kinh doanh trái pháp luật.
Tuy nhiên, sau đó, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai một loạt giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Người dân mua vàng tại các cửa hàng.
Trong đó, giải pháp về thị trường là tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường.
Sau các giải pháp quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước, hiện chênh lệch giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn với thế giới còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Cơ quan này cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Cơ quan quản lý cũng thông tin sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn.