Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, giá vàng tăng lên gần 30 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa với số tiền chênh lệch để mua lại 4 lượng vàng trả nợ của vợ chồng anh Vinh tăng thêm khoảng gần 120 triệu đồng.
Thời gian gần đây, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội liên tục bàn tán xôn xao về việc giá vàng tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều người đã từng vay nợ bằng vàng để mua đất, xây nhà “đứng ngồi không yên”, chỉ lo “chủ nợ” đòi lúc này.
Cũng từng vay 5 lượng vàng để mua đất, xây nhà, vợ anh Trần Quang Vinh (SN 1988), quê ở Nam Định cho hay, vào đầu năm 2021, vợ chồng anh quyết định mua nhà khi trong tay chỉ có vỏn vẹn 380 triệu đồng tiền tích cóp và bán vàng cưới.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng không ngừng lên sát mốc 84 triệu đồng/lượng.
“Tôi nhớ năm đó, nghỉ Tết xong, hai vợ chồng tôi với mấy đứa con phải chuyển trọ 3 lần chỉ trong vài tháng. Phòng trọ chúng tôi ở 8 năm, từ khi mới cưới đến lúc đó họ cần bán đất nên phải chuyển gấp. Sang bên phòng mới, làm hợp đồng 3 năm rồi nhưng mới được 2 tháng thì họ nói khó cho mình chuyển đi để cháu gái họ ở”, anh Vinh kể.
Lọ mọ chuyển phòng, vừa tốn thời gian vừa mệt, bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh phải tha đi tha lại, chưa kể tìm phòng vừa ý mình lại rất khó, anh Vinh phải nhờ bạn bè, đồng nghiệp để ý tìm giúp.
Giữa lúc đó, cô bạn hay mua hàng online của vợ anh mách có người cần bán đất vì vỡ nợ với giá chỉ 740 triệu đồng cho một mảnh đất 32m2 ở Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). Trên đất có sẵn căn nhà cấp 4 cũ, có thể ở được ngay.
“Tôi đi làm ở Nhổn, công ty vợ tôi ở thị trấn Phùng, ở Đức Thượng thì quá thuận tiện, giá lại quá rẻ nên tôi quyết tâm mua luôn mặc dù giữa tháng cô hồn”, anh Vinh nói.
Nhiều người lãi lớn khi mua vàng từ đầu năm nhưng người vay vàng thì như ngồi trên đống lửa.
Chỉ có 330 triệu đồng tiền tiết kiệm và 9 chỉ vàng cưới, hai bên nội ngoại kinh tế đều khó khăn, bố mẹ anh Vinh phải cầm cố sổ đỏ nhà đất ở để vay ngân hàng được 170 triệu đồng, vẫn thiếu 190 triệu đồng nữa. Giữa lúc đó, chú của anh Vinh ngỏ ý cho vợ chồng anh vay 4 lượng vàng, khi nào có thì trả, không cần trả lãi.
Được chú cho mượn vàng, anh Vinh mang bán với giá 55 triệu đồng/lượng, tổng cộng được 220 triệu đồng và đi công chứng mua ngay mảnh đất đầu tiên. Số tiền còn thừa, anh sửa sang lại căn nhà cũ để ở tạm.
Thời gian sau đó, vừa đi làm vừa tích cóp, vợ chồng anh Vinh ưu tiên trả khoản vay ngân hàng của bố mẹ trước và tích cóp dự định mua vàng trả cho chú sau. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tục tăng lên mức cao, vợ chồng anh Vinh chờ cho vàng xuống để mua vàng trả cho chú nhưng chưa được.
Giá vàng tăng cao nhưng người dân vẫn khó mua vì nhiều cửa hàng chỉ tiếp khách đến bán.
“Vợ chồng tôi đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ cóp đủ tiền mua vàng trả cho chú nhưng giá vàng tăng nhanh quá. Bây giờ, để mua 4 lượng vàng nhẫn thì phải mất số tiền hơn 330 triệu đồng, tức là cao hơn lúc tôi vay của chú mang đi bán là gần 120 triệu đồng. Nghĩ thì chênh lệch nhiều nhưng giá vàng còn tăng không bằng giá đất. Mảnh đất tôi đang ở có giá khoảng gần 2 tỷ đồng, gấp gần 3 lần”, anh Vinh nói.
Mặc dù giá vàng tăng, đồng nghĩa với việc số tiền mua vàng trả cho chú cũng nhiều thêm nhưng anh Vinh cho rằng, nếu không có số vàng đó của chú, vợ chồng anh không thể mua được mảnh đất đang ở, vẫn đi thuê nhà.
“Lúc mình khó khăn, được cho vay một đồng cũng là quý lắm rồi. Chú tôi cho vay cũng không giục trả nợ gấp, không lấy lãi một li một lai vàng nào nên dù vàng có tăng gấp 2-3 lần thì tôi vẫn cảm thấy biết ơn chú và sẵn sàng mua vàng trả chú vào bất kỳ lúc nào chú cần”, anh Vinh bộc bạch.
Tính đến 15h30 ngày 15/10/2024, giá vàng SJC được các đơn vị kinh doanh vàng niêm yết ở mức 83-85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn neo ở mức 82,9-83,8 triệu đồng/lượng.
Nói về tốc độ tăng giá của vàng và bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ năm 1990 đến nay, giá vàng thế giới cũng như ở Việt Nam đã tăng lên khoảng 30 lần. Trong khi đó, giá bất động sản tăng thấp nhất ở các tỉnh xa, tỉnh nghèo cũng đạt 100 lần, còn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nơi tăng tới 400 lần.
Do đó, vàng và bất động sản vẫn là những tài sản chủ chốt để cất trữ tiền. Trong ngắn hạn, có thể lúc tăng lúc giảm nhưng xu thế dài hạn là luôn đi lên.