Hệ thống miễn dịch được ví như lá chắn tự nhiên giúp ngăn ngừa sự tấn công, xâm nhập của các yếu tố nguy hại từ bên ngoài và bên trong. Đối với người bệnh ung thư, hệ thống miễn dịch trở thành chìa khóa trong việc phòng và điều trị bệnh.
Một trong những yếu tố tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh cho người bệnh ung thư là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Hệ miễn dịch hay sức đề kháng có vai trò như một lá chắn tự nhiên, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng …) hoặc từ bên trong để phát triển, khỏe mạnh bình thường.
Hệ miễn dịch được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Trong cơ thể, có hai hệ thống miễn dịch là hệ miễn dịch tự nhiên và hệ miễn dịch mắc phải.
Cả hai đều có vai trò ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, bảo vệ cơ thể thông qua một loạt các rào cản như da giúp loại bỏ phần lớn mầm bệnh, chất nhầy bẫy mầm bệnh, acid dạ dày tiêu diệt mầm bệnh, enzyme trong mồ hôi và nước mắt tạo ra các hợp chất chống vi khuẩn, các tế bào của hệ thống miễn dịch tấn công tất cả các tế bào lạ xâm nhập vào cơ thể.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, với người bệnh ung thư, hệ miễn dịch trở thành chìa khóa trong việc phòng và điều trị bệnh. Hệ miễn dịch với cơ chế phát hiện, ghi nhớ và tấn công các tế bào dị thường góp phần ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa sự lan rộng và di căn sang cơ quan khác của cơ thể.
Tuy nhiên, bệnh ung thư và các phương pháp điều trị ( xạ trị , hóa trị…) có thể làm suy yếu hệ miễn dịch do làm giảm số lượng tế bào bạch cầu được tạo ra trong tủy xương.
Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch hỗ trợ tối ưu cho người bệnh ung thư trong quá trình điều trị bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết, chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sức khỏe và chức năng của tất cả các tế bào, bao gồm cả tế bào miễn dịch. Dinh dưỡng hỗ trợ khả năng miễn dịch thông qua nhiều cơ chế, trong đó việc cung cấp năng lượng từ thức ăn cho các hoạt động của tế bào, kể cả tế bào miễn dịch.
Các chất dinh dưỡng được xác định là quan trọng cho sự phát triển và chức năng của tế bào miễn dịch bao gồm protein, vitamin C , vitamin D, kẽm, selen, sắt, probiotic…
Trong đó, protein đóng vai trò nòng cốt cấu thành hệ thống miễn dịch, do đây là thành phần của các mô cấu tạo cơ thể, kháng thể, hồng cầu, nội tiết tố. Protein có từ nguồn động vật (như các loại cá, thịt, hải sản, trứng, sữa…) và nguồn thực vật (như nấm, đậu đỗ, các loại hạt…).
Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa, thúc đẩy sự tăng trưởng và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, rau bina, cải xoăn, ớt chuông, cà chua…
Vitamin A hoạt động như một chất chống oxy hóa, tạo ra các tế bào bạch cầu và điều chỉnh phản ứng của tế bào miễn dịch. Vitamin A có trong các thức ăn động vật như thịt, cá, trứng sữa… và trong thực vật có các tiền tố vitamin A- beta caroten (có nhiều trong cà rốt, ớt chuông, atisô, khoai lang, bí ngô, bí, khoai tây, xoài, đu đủ, mơ, dưa đỏ, nho đỏ, dưa hấu , quýt, ổi, chanh dây…).
Sắt, kẽm thúc đẩy sự tăng trưởng và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Sắt mang oxy đến các tế bào. Thực phẩm chứa nhiều sắt gồm thịt đỏ, thịt gà, cá ngừ, cá mòi, nghêu, sò, đậu…
Ngoài ra, chế độ ăn nên thêm sữa chua có các lợi khuẩn hoặc bổ sung lợi khuẩn - probiotics giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm táo bón và tăng cường miễn dịch rất tốt.
Bổ sung đa dạng thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch cho người bệnh ung thư.
Bên cạnh duy trì chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, để tăng cường hệ miễn dịch, người bệnh ung thư có thể thực hiện một số biện pháp sau: