Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu có 'hạ nhiệt'?

07/07/2022 11:12

PLBĐ - Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được giảm xuống mức sàn trong khung thuế từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022. 

Theo Nghị quyết của Chính phủ, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh mức thuế giảm từ 300-700 đồng/ lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; riêng dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu có 'hạ nhiệt'? - Ảnh 1.

Từ 11/7/2022, chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. (Ảnh: Nhật Linh/Thanh Niên)

Như vậy, đây là lần thứ 2 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được giảm. Với 2 lần giảm, Bộ Tài chính ước tính hụt thu ngân sách trên 32.500 tỷ đồng. Trước đó hồi tháng 3/2022, Chính phủ cũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và chính sách này đã có hiệu lực từ 1/4/2022 tới hết năm nay. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT)...

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI, cụ thể: Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.

Giá xăng trong nước có thể giảm gần 2.000 đồng/lít từ ngày 11/7/2022? 

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (ngày 1/7/2022), giá xăng E5 RON 92 tối đa 30.890 đồng/lít; RON 95 ở mức 32.760 đồng/lít; dầu diesel giá 29.610 đồng/lít, dầu hỏa giá 28.350 đồng/lít, dầu mazut giá 19.720 đồng/kg.

Giá cơ sở xăng dầu được tính trên 4 yếu tố: giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); các loại thuế. Các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế VAT. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu hiện nay khoảng 23,12% với xăng E5 RON 92; khoảng 24,04% với xăng RON 95 và khoảng 12,61% với dầu diesel.

Sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường, yếu tố quyết định giá xăng dầu ở kỳ điều hành sắp tới phụ thuộc vào bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Ở kỳ điều hành trước đó (ngày 1/7), giá bình quân 147,7 USD/thùng xăng RON 92.

Trong khi đó, giá trung bình thế giới của dầu thô có xu hướng giảm nhẹ kể từ ngày 1/7/2022 trở lại đây. Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đã giảm từ mức 106 USD/thùng (ngày 1/7/2022) xuống mức 98,00 USD/thùng (ngày 7/7/2022); giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 114 USD/thùng (ngày 1/7/2022) về mức 104,30 USD/thùng (ngày 7/7/2022).

Giá dầu thô giảm sẽ kéo theo giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm xuống. Theo Bộ Công Thương, cập nhật giá xăng dầu từ Singapore đang lao dốc mạnh. Ngày 5/7/2022, xăng RON 92 về 137,48 USD/thùng, xăng RON 95 về 145,63 USD/thùng, dầu diesel về gần 160 USD/thùng. Giá xăng nhập khẩu có 4 phiên giảm liên tiếp và thấp hơn giá bán trong nước khoảng 1.100 - 1.300 đồng/lít.

Dựa trên yếu tố này, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước sẽ có đợt giảm thứ hai liên tiếp vào kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2022. Dự tính, nếu không sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (trích lập quỹ hoặc chi), mức giảm của các mặt hàng xăng dầu trong nước có thể từ 1.000 - 1.900 đồng/lít.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu có 'hạ nhiệt'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO