PLBĐ - Học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway ở Hà Nội tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô; Cô giáo mầm non đốt cồn dạy phòng chống cháy nổ làm 3 trẻ bị bỏng nặng;... là những tin tức giáo dục được dư luận quan tâm trong tuần qua.
Cô giáo mầm non đốt cồn dạy kỹ năng, 3 trẻ bỏng nặng
Ngày 10/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam báo cáo cụ thể việc trẻ mầm non bị bỏng nặng do học phòng chống cháy nổ.
Trước đó, khoảng 15h ngày 9/8, nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho khoảng 25 trẻ học kỹ năng thoát hiểm khi có cháy nổ. Các cô giáo dùng cồn đổ vào mâm rồi châm lửa để minh họa. Bất ngờ gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa vào 3 cháu nhỏ khiến các cháu bỏng nặng, gồm: H.L (SN 2014), G.K (SN 2015), A.T (SN 2016).
Ông Trần Quang Tuyến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên, cho biết trong chương trình giáo dục mầm non có lồng ghép việc dạy kỹ năng sống, trong đó có bài hướng dẫn trẻ kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm.
Theo Viện Bỏng quốc gia, 3 trẻ nhập viện vào tối ngày 9/8 đều sốc bỏng rất nặng. Các bác sĩ đã xử lý theo phác đồ truyền dịch, chống sốc, giảm đau an thần và thay băng tại vết thương. Theo nhận định của các bác sĩ, diện tích bỏng của 3 trẻ lên tới 50%-60%.
Học sinh 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway
Theo tường trình ban đầu của đại diện Trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), khoảng 16h10 ngày 6/8, trong quá trình nhà trường đưa học sinh đi xe bus về nhà, đã phát hiện em L.H.L (6 tuổi, Hà Nội) đang nằm bất tỉnh trên xe.
Ngay lập tức, một cán bộ nhà trường đưa học sinh này vào phòng cấp cứu. Tuy nhiên, dù được tích cực cứu chữa nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Sáng 7/8, một ngày sau cái chết của L., nhiều phụ huynh đã đến trường yêu cầu làm rõ sự việc. Một số phụ huynh cho rằng, nhà trường, giáo viên, lái xe, người phụ trách xe vô trách nhiệm, dẫn đến cái chết của học sinh. Nhiều người nói, sẽ chuyển trường cho con vì họ không thể yên tâm, tin tưởng giao phó con cho trường này.
Trưa 7/8, UBND Cầu Giấy tổ chức thông tin đến báo chí. Theo cơ quan này, sự việc như sau, khoảng 6h sáng, ông Doãn Quý Phiến, nhân viên lái xe hợp đồng với Cty TNHH vận tải Ngân Hà điều khiển ô tô 16 chỗ, đón bà Nguyễn Bích Quy (56 tuổi) bắt đầu hành trình đi đón học sinh. Xe đón 13 em, trong đó có L.H.L. Khoảng 7h25 xe đến cổng trường, bà Quy đưa học sinh xuống xe, đóng cửa lại và ông Phiến lái xe về bãi xe là Học viện Báo chí và tuyên truyền. Đến khoảng 15h30, ông Phiến lái xe đến trường để đón trả học sinh, bà Quy mới phát hiện L. nằm ngửa sau ghế lái.
Hiện, bé trai đã được đưa về an táng tại quê nhà ở Thanh Hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thay đổi phương thức thi THPT quốc gia từ 2024
Ngày 10/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ có nhiều thay đổi và điều chỉnh.
Theo ông Trinh, trong giai đoạn 2021 - 2023, kỳ thi THPT quốc gia về căn bản sẽ giữ ổn định như phương thức thi hiện nay. Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán, thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, bắt đầu từ năm 2023, ngành giáo dục sẽ đổi mới để tiến đến năm 2024 sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình giáo dục phổ thông với hướng tiếp cận năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tiệm cận cách thức thi của quốc tế.
"Chúng tôi đang tính toán là giai đoạn 2021 - 2023 kỳ thi THPT quốc gia về căn bản giữ ổn định phương thức thi như hiện nay và tính toán những nơi nào có điều kiện thì từng bước thực hiện thi trên máy tính một số lần/năm" - Ông Trinh cho hay.
Việc tổ chức thi trên máy dự kiến sẽ tổ chức thực hiện trước ở một số vùng miền thuận lợi. Kết quả của các đợt thi này có thể sử dụng để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây cũng là bước để hình thành các vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia để tiến tới kỳ thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.
Việt Nam xếp hạng 4 thế giới tại Olympic Tin học quốc tế 2019
Ngày 10/8, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 31 năm 2019 (IOI 2019) diễn ra tại Azerbaijan, cả 4 học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Cụ thể, 2 Huy chương Vàng thuộc về em Trịnh Hữu Gia Phúc (học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), xếp hạng 19; em Bùi Hồng Đức (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội), xếp hạng 24.
Em Vũ Hoàng Kiên (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) đoạt Huy chương Bạc, xếp hạng 62.
Em Nguyễn Minh Tùng (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) đoạt Huy chương Đồng, xếp hạng 90.
Nếu xếp hạng theo số huy chương, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới sau các đoàn Trung Quốc, Nga, Mỹ. Đây là năm mà đoàn học sinh Việt Nam giành được thành tích cao nhất tại Olympic Tin học quốc tế sau kỳ tích đứng thứ nhất toàn đoàn tại IOI Thổ Nhĩ Kì 1999.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Hà Nội thanh tra các cơ sở giáo dục mang danh quốc tế
Ngày 8/8, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tại đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đề nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 30/8/2019, kế hoạch cần thể hiện rõ những việc phải làm để khắc phục hậu quả; thực hiệnhoàn thiện, bổ sung các văn bản liên quan và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền những đối tượng liên quan.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. “Qua thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Bằng nói.
T.H (th)