Trao đổi với báo chí vào sáng 20/6, đại diện Trường mầm non song ngữ Ecokids (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi sự việc tát bé B.A. chưa đầy 3 tuổi sấp mặt, tụ máu môi cô giáo Nguyễn Thị T. đã bị buộc thôi việc. Trước đó, sau khi đón con từ Trường Mầm non Ecokids, gia đình chị Nguyễn Linh (quận Bắc Từ Liêm) tá hỏa khi phát hiện trên mặt cậu bé chưa đầy 3 tuổi bầm tím với vết lằn 5 ngón tay. Môi của bé cũng bầm dập... Chị Nguyễn Linh cho hay sự việc được xác định diễn ra khoảng 11h trưa ngày 18/6, tại Trường Mầm non Ecokids (Toà R4, Khu đô thị Goldmark City, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Được biết, cô giáo T. cũng rất ân hận về hành vi của mình vì đã có những hành động nông nổi. Sáng 18/6, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020. Theo đó, môn Toán có 47,6% trên điểm trung bình; môn Văn 33,6% trên điểm trung bình; môn Anh có 25,9% trên điểm trung bình. Đáng chú ý là môn Toán có 668 bài thi điểm 0. Đại diện Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết đề thi vào lớp 10 năm nay được đánh giá là vừa sức, phù hợp với học sinh lớp 9, trong đề có sự phân hóa đối với trình độ học sinh. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao nhiều học sinh bị điểm liệt môn Toán. "Đề thi chấm theo thang điểm, học sinh không làm được thì 0 điểm chứ biết sao bây giờ. Điểm 0 là điểm liệt, không được xét tuyển. Nếu các trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì cũng phải chịu chứ không thể chấp nhận điểm 0 vào học được. Tôi cho rằng 0 điểm là không học, chứ học thì không thể 0 điểm được", vị này nhìn nhận.
Trong hai ngày cuối tuần (22 và 23/6), hàng vạn giảng viên từ các trường đại học "tay xách, nách mang" lên đường đến các địa phương để coi thi. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm tăng lực lượng phục vụ kỳ thi và đặc biệt là tăng cường giám sát, hạn chế gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia tại địa phương thông qua các trường đại học được Bộ GD&ĐT áp dụng những năm gần đây. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội có 125 điểm thi với 3.119 phòng thi. Tổng số có 7.755 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi, trong đó có 3.718 cán bộ, giảng viên trường đại học; 4.037 cán bộ, giáo viên các trường phổ thông. Ngoài ra cũng có 1.376 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã có kế hoạch và sẵn sàng lực lượng. Công an TP Hà Nội đã lên kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an toàn cho kỳ thi từ khâu in sao đề thi, trật tự an toàn giao thông, đặc biệt chú ý và kiểm soát gian lận. Qua rà soát, Công an TP phát hiện 2 website rao bán các thiết bị gian lận và đã phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý. Sáng 21/6, Hà Nội tổ chức hội nghị "Hướng dẫn coi thi THPT Quốc gia 2019". Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi & Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, thành phố đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Điểm mới nhất của năm nay là Sở bố trí camera giám sát ở 125 điểm thi, hỗ trợ trực tiếp 24/24 giờ, đảm bảo hệ thống hoạt động suôn sẻ. Ngày 19/6, Quacquarelli Symonds (QS), công ty giáo dục và du học ở Anh, công bố bảng xếp hạng 1.000 trường Đại học hàng đầu của 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm xếp hạng 701-750; ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000. Đây là lần thứ hai Việt Nam có đại diện lọt vào danh sách 1.000 trường Đại học hàng đầu thế giới. Các trường Đại học được đánh giá trên 6 tiêu chí: Danh tiếng học thuật, danh tiếng của trường, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, số trích dẫn mỗi giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế. T.H (th)
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO