Giấy tiếp nhận ĐKBCB sản phẩm Thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm giả mạo

Long Khánh - Hồng Ngọc 29/08/2022 13:33

PLBĐ - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm giả mạo.

Qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4288/2020/ĐKSP ngày 15/5/2022 là giả mạo.

photo-1661754351081

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố Thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm là giả mạo

Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Cục không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm của Hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ: Phòng 202, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Giấy đăng ký công bố sản phẩm là một trong những chứng nhận pháp lý quan trọng mà doanh nghiệp phải đăng ký cho sản phẩm trước khi đưa lưu thông ra thị trường. Ngoài việc tuân thủ quy định nhà nước, tự đăng ký công bố sản phẩm hoặc đăng ký bản tiếp nhận công bố còn là cách giúp doanh nghiệp tạo niềm tin cho cho khách hàng về tính an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tiến hành đăng ký theo quy định pháp luật thì vẫn còn nhiều đơn vị không đăng ký sản phẩm, thậm chí, làm giả giấy đăng ký công bố nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm căn cứ theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên.

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nêu rõ: tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký bản công bố sản phẩm.

Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm được quy định tại Điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP như sau:

- Đối với sản phẩm nhập khẩu:

+ Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

+ Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu (Certificate of Exportation) hoặc Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp (hợp pháp hóa lãnh sự);

+ Bản chính hoặc bản sao Chứng thực phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành;

+ Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;

+ Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

- Đối với sản phẩm sản xuất trong nước

+ Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

+ Bản chính hoặc bản sao Chứng thực phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành;

+ Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;

+ Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

+ Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong trường hợp sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Doanh nghiệp hoặc các nhân kinh doanh sản phẩm có thể nộp hồ sơ thông qua hệ thông dịch vụ công trực tuyến, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo sự phân công chức năng như sau:

- Bộ Y tế: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định: thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.



(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giấy tiếp nhận ĐKBCB sản phẩm Thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm giả mạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO