GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, ngoài việc đấu giá thì cũng có nhiều hành vi "kích" tạo giá ảo cao hơn giá thật hiện nay trên thị trường. Do đó, thời gian tới, giá bất động sản Hà Nội có xu hướng tăng cao hơn hiện nay.
Xung quanh câu chuyện đấu giá đất vùng ven Hà Nội đang được quan tâm thời gian gần đây. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin cũng nhận được nhiều ý kiến của mọi người tại sao đất Hoài Đức lại trúng với mức giá cao như vậy? Đặc biệt, đây là vùng nông thôn chưa phát triển nhiều, chất đô thị ở đây còn quá thấp. Hơn nữa, đất ở đây cũng không phải nơi làm ăn, kiếm tiền nhiều hay nói cách khác giá trúng đấu giá ở đây quá bất thường, không phù hợp với quy luật kinh tế cũng như vấn đề xã hội. Giá đã đến trên 100 triệu/m2 đất, quá cao so với mua bán giá thị trường hiện nay.
Chia sẻ với báo chí, GS. Võ cho rằng: "Chúng ta so sánh đấu giá đất trước đây ở TP.HCM là khu vực mới phát triển - Thủ Thiêm. Họ cũng đã từng trả ở những nơi chưa có hạ tầng ngang với giá đất cao nhất ở Quận 1, Quận 3. Chúng ta cũng đã ngạc nhiên từ hồi đó và rồi những người trúng đấu giá đều bỏ cả. Họ lấy chuyện đấu giá như một giải pháp nhấn mạnh rằng đất ở đây cao như vậy. Họ chịu mất tiền đặt cọc nhưng không phải muốn mua thật, trả giá thật.
Trường hợp ngoại thành Hà Nội cũng tương tự như vậy, khác nhau ở bối cảnh nhưng ý nghĩa vẫn muốn kích giá để tạo ra một mặt bằng giá mới. Chúng ta theo dõi tiếp ở ngoại thành Hà Nội xem người đấu giá có bỏ cọc hay không hay muốn mua thật?".
Mặc dù chưa biết sẽ mua thật hay không nhưng cuộc đấu giá với giá cao tới hơn 130 triệu đồng/m2 ở Hoài Đức đã có những ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Ông Võ cho hay: "Cuộc đấu giá đó thế hiện như đang diễn ra một mặt bằng cao hơn trước gấp nhiều lần. Điều đó cũng có nghĩa giá bất động sản Hà Nội sẽ có xu hướng tăng cao hơn hiện nay. Chúng ta cũng biết rằng ngoài việc đấu giá thì cũng có nhiều hành vi kích tạo giá ảo cao hơn giá thật trên thị trường.
Ở Hà Nội, có những mảnh đất, ngôi nhà trong ngõ sâu, kém phát triển cũng đã giữ giá cao đến mức nhiều người hỏi mua cũng không thể mua được. Hiếm cung nên càng đẩy giá phải cao hơn, kỳ vọng của người bán cũng cao hơn".
GS Võ cho rằng, tình trạng này sẽ làm cho thị trường bất động sản không ổn định, làm cho giao dịch cung cầu với người không có nhiều tiền giải quyết rất khó.
"Hiện tượng này đã tác động vào nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội cũng lên rất cao. Khi xưa, 50 triệu đồng/m2 nhà chung cư đã được gọi là cao cấp nhưng đến nay giá nhà ở trung bình cũng đã đến mức 50 triệu đồng/m2, còn khu vực giá cao đã lên mức 100 triệu đồng/m2. So với trước đây, giá chung cư đã gấp đôi", GS Võ nói.
Ông Võ nhấn mạnh, một số người nào đó có ý định muốn đẩy giá lên hơn nữa. Như vậy, thị trường bất động sản không dành cho đa số người dân mà thiên về câu chuyện làm ăn nhiều hơn, tạo ra điểm bất thường trong thị trường bất động sản. Giá lúc nào cũng leo thang, không phục vụ cho đại đa số người dân mà chỉ có thể phục vụ người nhiều tiền.
Đưa ra nhận định quanh câu chuyện đấu giá đất vùng ven Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hệ lụy của các tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá đấu tăng cao “vượt xa" giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương đấu giá mà còn tại nhiều nơi khác trên cả nước.
VARS cũng cho rằng, khi thấy giá bất động sản được duy trì xu hướng tăng trong một thời gian đủ dài, thì tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lại phía sau) sẽ “trỗi dậy", nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá tiếp tục tăng, rồi đưa ra quyết định mạo hiểm. Quyết định này hiện còn được thúc đẩy bởi nhận định cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ gián tiếp đẩy giá đất tăng.
Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, tạo ra các khu đất bỏ hoang, ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung khi dòng tiền bị “ứ" đọng ở đất đai, không đi vào hoạt động kinh tế khác.