Hà Nội đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết

Vũ Bình (t/h) 02/11/2022 11:56

PLBĐ - Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 9.747 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong.

Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).

Theo thống kê của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Về nguyên nhân khiến bệnh nhân sốt xuất huyết liên tục gia tăng thời điểm này, ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11.

Sốt xuất huyết thường bùng phát tại Hà Nội vào tháng 6-11, trong đó cao điểm vào tháng 9-11. Đây là chu kỳ dịch đã thành quy luật.

Mặc dù các quận huyện đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, người dân vẫn thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường.

Hà Nội đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Hướng dẫn người dân diệt bọ gậy tại chậu cảnh có đọng nước ngoài trời của hộ gia đình.

Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội  khuyến cáo: "Mặc dù, dịch bệnh sốt xuất huyết đã có dự báo từ sớm, từ xa, tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh".

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít, giảm nhiều; tràn dịch đa màng ví dụ phổi, bụng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO