Hà Nội đang đối phó với dịch sốt xuất huyết ra sao?

21/11/2022 21:52

Đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục tăng từ nay đến hết tháng 11. Sau rất nhiều lần hẹn làm việc, Báo SK&ĐS phỏng vấn ông Vũ Duy Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội về công tác chống dịch hiện nay.

Tháng 11, là cao điểm của dịch sốt xuất huyết

PV: Nửa cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều người mắc các bệnh như adenovirus, sốt xuất huyết trong khi bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn có, theo ông, nguyên nhân vì sao?

Ông Vũ Duy Hưng: Hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt mặc dù một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, adenovirus, cúm có sự gia tăng số ca mắc bệnh theo xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam.

Hà Nội đang đối phó với dịch sốt xuất huyết ra sao? - Ảnh 1.

Lực lượng cơ sở truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Duy Tuân

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến hết ngày 10/11/2022, đã ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc COVID-19 trong năm 2022, 1.574 trường hợp mắc tay chân miệng và rải rác một vài trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác như: Dại, liên cầu lợn, viêm não nhật bản, sởi, rubella. Ngoài ra một số dịch bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa, adenovirus cũng có xu hướng gia tăng so với các năm trước.

Dự báo giai đoạn 2 tháng cuối năm này, khi thời tiết bước sang giai đoạn chuyển mùa Thu Đông sẽ là điều kiện để dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp bùng phát như cúm, quai bị, thủy đậu, sởi, rubella, adenovirus.

Tháng 11, là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết nên dự báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng theo chu kỳ. Số mắc 4 tuần gần đây dao động từ 1.200-1.300 ca mắc/tuần, tuy nhiên bệnh nhân chỉ tập trung tại một số xã, phường thuộc một số quận, huyện như: Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoàng Mai.

Nguyên nhân dẫn đến bùng phát, gia tăng dịch sốt xuất huyết trên địa bàn là thời tiết đang là "lý tưởng" cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

Việc thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, tâm lý người dân vẫn còn chủ quan và chưa chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy mặc dù sinh sống trong khu vực có bệnh nhân ổ dịch.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Hà Nội. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng, bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết.

Đối với bệnh COVID-19: Mặc dù dịch đã được kiểm soát tốt, số mắc hiện tại đã giảm rõ rệt so với giai đoạn đầu năm 2022. Tuy nhiên hiện tại trung bình mỗi ngày số ca mắc mới vẫn dao động khoảng vài chục ca/ngày do sự biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng khả năng lây nhiễm.

Kết quả giám sát của CDC Hà Nội cho thấy trên địa bàn ngoài các biến thể Omicron BA.4, BA.5 lưu hành phổ biến, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện các biến thể tái tổ  hợp mới như BE, BF, BQ của biến thể Omicron.

Mặt khác, do tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân sau khi cả nước đã kiểm soát được dịch nên đã không thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo như đeo khẩu trang, tiêm chủng vaccine phòng bệnh mũi nhắc lại tạo điều kiện cho dịch bệnh có khả năng tiếp tục lây truyền trong cộng đồng.

PV: Ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội đã vượt đỉnh dịch, Sở Y tế Hà Nội phát cảnh báo đến người dân như thế nào? Có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên công bố dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, ông bình luận gì về vấn đề này?

Theo số liệu giám sát trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 2017-2021) trung bình mỗi năm, Hà Nội ghi nhận khoảng 12.900 trường hợp mắc bệnh, năm có dịch với số mắc cao là 2017 với 35.665 trường hợp, năm 2019 với 12.225 trường hợp.

Hà Nội đang đối phó với dịch sốt xuất huyết ra sao? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn người dân ;oại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).

Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Y tế Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch và cảnh báo đến người dân như sau:

- TP đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết; thường xuyên cập nhật, đánh giá diễn biến tình hình dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam và Hà Nội để đưa ra những chỉ đạo kịp thời đến các địa phương. Công tác xây dựng kế hoạch theo từng tình huống dịch đã được TP, Sở Y tế và các đơn vị xây dựng và ban hành ngay từ đầu năm.

- Chủ động tuyên truyền cho người dân về nguy cơ và các biện pháp chống dịch sốt xuất huyết, tổ chức hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết trên quy mô TP vào ngày 15/6/2022 tại huyện Thanh Trì.

- Với bệnh sốt xuất huyết, TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và nhân dân cùng tham gia.

Các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm; củng cố các đội giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy hoạt động thực chất và hiệu quả.

- Tăng cường công tác truyền thông đến tận từng hộ gia đình với nhiều hình thức truyền thông…; Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy ở nhà cũng như ở trường học, truyền thông về triệu chứng của bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh nặng, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

- Về chuyên môn y tế:

+ Thực hiện giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát phát hiện sớm, giám sát véc tơ (muỗi/loăng quăng, bọ gậy) để đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể, phát hiện sớm người bệnh, ổ dịch để xử lý kịp thời

+ Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy và các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hàng tuần.

+ Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng, Mục đích: Chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.

+ Chỉ đạo các bệnh viện và các cơ sở khám chưa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật các kiến thức về điều trị SXH.

+ Phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh, chuyển tuyến an toàn.

+ Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử, máu…để điều trị kịp thời cho người bệnh.

Mặc dù số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vượt ngưỡng cảnh báo dịch, nhưng đây không phải là bất thường vì theo xu hướng dịch hàng năm, tính chu kỳ 5 năm kể từ năm 2017, và có những năm đã ghi nhận số mắc cao hơn như 2017 (37.665 trường hợp); 2015 (15.412 trường hợp); 2009 (16.090 trường hợp). Hiện nay, ngành Y tế đang phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp để triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

UBND TP và UBND các quận, huyện, thị xã đều chủ động bố trí riêng nguồn kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết thông qua các đề án chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Đây có thể nói là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Chấm điểm thi đua cuối năm nếu đơn vị khám, chữa bệnh để xảy ra tình trạng người bệnh sốt xuất huyết quá tải

PV: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã phải nằm ghép cục bộ ở một số bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã có chỉ đạo phân luồng sớm nhưng tại nhiều nơi có tình trạng nằm ghép, y tế Hà Nội có giải pháp triệt để và quy trách nhiệm lãnh đạo BV ra sao? Tình hình thuốc, dịch truyền điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết có thiếu không?

Theo báo cáo của các BV, số người bệnh mắc sốt xuất huyết phải nằm điều trị nội trú tại các BV tính đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 1.400 người bệnh. Trong đó số ca có diễn biến có triệu chứng nặng chiếm khoảng 5% (70-80 ca) như vậy năng lực điều trị của các bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh (hơn 1.300 giường bệnh hồi sức cấp cứu trên toàn bộ địa bàn TP).

Hà Nội đang đối phó với dịch sốt xuất huyết ra sao? - Ảnh 3.

Sở Y tế Hà Nội sẽ đánh giá vào điểm thi đua cuối năm nếu BV để xảy ra tình trạng người bệnh sốt xuất huyết quá tải. Ảnh: PV

Sở Y tế chỉ đạo 4 BVĐK hạng I, BV chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế trong toàn hệ thống y tế TP (bao gồm các đơn vị công lập và ngoài công lập) về phác đồ chẩn đoán, điều trị người bệnh sốt xuất huyết để các đơn vị nâng cao năng lực, chủ động được trong các tình huống dịch nếu có bùng phát.

Phối hợp với các chuyên gia của BV Nhiệt đới Trung ương tổ chức 1 buổi bình bệnh án đối với một số người bệnh sốt xuất huyết tử vong. Phân tích, đánh giá các nguy cơ; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng.

Đồng thời có hướng dẫn, khuyến nghị nhân viên y tế các trường hợp tiếp nhận người bệnh nhập viện kịp thời; mặt khác, tư vấn cho người bệnh nhẹ tự theo dõi tại nhà, không gây tình trạng quá tải bệnh viện.

Từ kinh nghiệm của mô hình, phân tuyến, phân tầng điều trị người bệnh COVID-19 trong 2 năm vừa qua, Sở Y tế giao các BV trên địa bàn phải chủ động đáp ứng việc điều trị người bệnh tại chỗ; đảm bảo đủ nguồn thuốc, vật tư, dịch truyền để điều trị người bệnh.

Thường xuyên phối hợp, hội chẩn giữa các tuyến để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong công tác điều trị; hội chẩn, trao đổi thông tin về tình trạng người bệnh nặng cần chuyển tuyến để chủ động và đảm bảo chuyển tuyến người bệnh an toàn.

Sở Y tế sẽ đánh giá vào điểm thi đua cuối năm nếu đơn vị khám chữa bệnh để xảy ra tình trạng người bệnh sốt xuất huyết quá tải, không được chăm sóc, điều trị đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện nay, Sở Y tế chưa ghi nhận việc các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị.

Sở Y tế Hà Nội thiết lập hệ thống báo cáo công tác điều trị đối với người bệnh COVID-19, người bệnh sốt xuất huyết hàng ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh. Kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình người bệnh và các khó khăn vướng mắc của đơn vị để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

PV: Thưa ông, hiện nay Hà Nội có phải đang ở thời điểm dịch chồng dịch hay không?

Thời điểm này, mặc dù có một số dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố ghi nhận số mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2021 như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh do adenovirus, cúm bên cạnh dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đây đều là các dịch bệnh lưu hành địa phương (với số mắc hàng năm dao động từ vài trăm đến vài nghìn trường hợp) và đều đang được giám sát chặt chẽ và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một số dịch bệnh đã và đang có xu hướng giảm như tay chân miệng, bệnh do Adenovirus và sẽ được khống chế trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Anh Tuệ - Ngọc Anh (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội đang đối phó với dịch sốt xuất huyết ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO