Hà Nội: Người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu qua 600 điểm bán hàng trực tuyến

31/08/2021 12:15

PLBĐ - Các điểm này đều bán thực phẩm tươi sống, chế biến, hàng hóa thiết yếu, theo hình thức đặt hàng qua điện thoại, trang web, qua các ứng dụng như Zalo, Apps, kênh Gozek, Now, hotline…

Trước tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp với những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trực tuyến thay vì tới các cửa hàng, siêu thị... Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, ngày 30/8, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố danh sách các đơn vị, điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn có triển khai hình thức bán hàng trực tuyến trên Cổng thông tin của Sở.

Theo đó, TP. Hà Nội có 600 điểm bán hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện và 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử. Cụ thể: Công ty CP thực phẩm sạch Clevefood (8 điểm); Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Lan Chi (8 điểm); Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (3 điểm); Công ty TNHH TMĐT Goldfriut Việt Nam (9 điểm); Công ty TNHH Luôn Tươi Sạch (13 điểm); Công ty CP Sói Biển Trung Thực (20 điểm); Công ty CP Kids Plaza (7 điểm); Công ty CPTM và DVTH Đức Thành (3 điểm); Công ty CP quốc tế Homefarm (13 điểm); Chuỗi cửa hàng Bác Tôm; Công ty TNHH bán lẻ BRG (62 điểm), Co.opFood miền Bắc (30 điểm); Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce; Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam); Công ty TNHH AEON Việt Nam; Shopee…

Các điểm này đều bán thực phẩm tươi sống, chế biến, hàng hóa thiết yếu, theo hình thức đặt hàng qua điện thoại, trang web, qua các ứng dụng như Zalo, Apps, kênh Gozek, Now, hotline…

Hà Nội: Người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu qua 600 điểm bán hàng trực tuyến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động này, đồng thời giúp người dân mua hàng thuận tiện, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, công khai danh sách các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức đặt hàng trực tuyến đến người tiêu dùng trên địa bàn.

Đồng thời, Sở yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến như qua mạng xã hội Zalo, Facebook, điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử, giao nhận hàng hóa tại nhà để hạn chế tập trung đông người khi mua hàng hóa.

Riêng sàn thương mại điện tử cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu có nhu cầu lên sàn để bán hàng hóa, trong đó đặc biệt ưu tiên hiện thị các sản phẩm phòng chống dịch, nhu yếu phẩm thiết yếu để người dân dễ tiếp cận, mua hàng hóa. Các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đăng ký danh sách nhân viên vận chuyển, giao nhận hàng hóa gửi về Sở Công Thương Hà Nội để đơn vị gửi Sở GTVT cấp mã số xác nhận cho các tài xế tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung của Bộ Công Thương, ngày 30/8, thị trường trên địa bàn TP. Hà Nội tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (gồm 30/449 chợ, 1/103 siêu thị và 6/1800 cửa hàng tiện ích).

Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu qua 600 điểm bán hàng trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO