Hành vi xâm nhập trái phép camera hay còn gọi là hack camera nhà người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Hack camera nhà người khác bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
Từ các quy định trên thì có thể thấy hành vi xâm nhập hay còn gọi là hack camera nhà người khác là hành vi vi phạm và bị pháp luật nghiêm cấm.
Trường hợp hành vi hack camera nhà người khác mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
* Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu hành vi hack camera nhà người khác mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính như sau:
- Trường hợp truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.
Trường hợp người vi phạm là người nước ngoài sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
(Theo Điều 4 và điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
- Trường hợp có vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân thông qua mạng máy tính có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
++ Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
++ Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
++ Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
++ Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
++ Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt trên áp dụng với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.