Hai bố con chém người dã man ở Bắc Giang đối diện hình phạt nào?

08/03/2022 16:00

PLBĐ - Liên quan đến vụ án 2 bố con dùng dao gây ra vụ chém kinh hoàng ở Bắc Giang, các luật sư cho biết các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phòng CSHS Công an tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Hoàn (SN 1959) và Nguyễn Văn Hiệp (con trai ông Hoàn, SN 1986, cùng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi "Giết người".

Theo điều tra, khoảng 21h20 ngày 6/3, do mâu thuẫn nên 2 bố con Nguyễn Văn Hoàn đến nơi ở của chị Nguyễn Thị Hậu (SN 1986, trú tại phường Trần Phú, TP Bắc Giang). Tại đây, 2 bố con Hoàn xảy ra xô xát với chị Hậu và Lương Văn Quyền (bạn chị Hậu, SN 1986, trú tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Hai bố con ông Hoàn dùng dao chém nhiều nhát vào người anh Quyền khiến nạn nhân bị thương nặng. Trong quá trình xảy ra xô xát, anh Quyền dùng dao chống trả khiến Hiệp bị thương.

Nhận được tin báo, cơ quan công an đã đến đưa người bị thương đi cấp cứu, đồng thời tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra xác minh làm rõ vụ việc. Tại hiện trường cảnh sát thu giữ 3 con dao hung khí, 1 chiếc gậy bóng chày.

Liên quan tới vụ việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, anh Lương Văn Quyền - nạn nhân trong vụ án trên sau khi nhập viện đã được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Hiện nạn nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi, điều trị tích cực.

Vụ án vẫn đang được Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hai bố con chém người dã man ở Bắc Giang đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Hoàn và Nguyễn Văn Hiệp.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của các đối tượng trong vụ việc chém người ở Bắc Giang là rất táo tợn, liều lĩnh và có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

"Hành vi dùng dao đâm, chém liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân gần như vậy dù nạn nhân không chết vẫn có thể xem xét khởi tố các đối tượng về tội 'Giết người' theo điều 123, Bộ luật hình sự 2015. Người bị chém không thiệt mạng có thể nhờ được cấp cứu kịp thời, tuy nhiên tính chất nguy hiểm của hành vi có thể dẫn đến chết người nên trong tình huống này cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội 'Giết người' và xử lý với đối tượng với khung hình phạt tù có thể từ 12 năm đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình", luật sư Lực phân tích.

Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, diễn biến hành vi có thể dẫn đến chết người hay không, để quyết định xử lý các đối tượng về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người".

Trong trường hợp có căn cứ, 2 người có mục đích giết người thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Khi bị xử lý theo tội "Giết người" thì khung hình phạt có thể phải đối diện là tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp nạn nhân không chết thì mức phạt cũng có thể đến 20 năm tù. Trong trường hợp chứng minh động cơ mục đích của hành vi không phải giết người, những vết thương, trí chém không thể dẫn đến chết người, thì các đối tượng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo điều 134 Bộ luật Hình sự. Mức chế tài đối với tội danh này sẽ phụ thuộc vào tính chất của vụ án, mức độ tổn thương cơ thể của nạn nhân và các yếu tố khác.

Cũng theo luật sư Cường, trường hợp đối với người bị hại cũng có lỗi, có mục đích gây thương tích trở lại cho 2 người gây án, hành vi lúc đầu không phải tự vệ thì tùy vào tính chất có thể xem xét trách nhiệm pháp lý đối với người này. Người bị hại sẽ không bị xem xét trách nhiệm pháp lý nếu hành vi được xác định là tự vệ, tương xứng đối với sức tấn công của 2 nghi can nhằm triệt tiêu vũ lực của 2 người đó, chứ không phải đánh nhau. Nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy diễn biến sự việc là 2 bên "đánh nhau", cùng muốn gây thương tích cho nhau thì cả 2 bên phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những thiệt hại mà hành vi trái pháp luật.

Dù là xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" hay "Giết người" thì người gây ra thương tích cho nạn nhân cũng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bao gồm chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, giảm sút, tiền công người chăm sóc và khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe, tổn thất về tinh thần. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết.

T.H(th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai bố con chém người dã man ở Bắc Giang đối diện hình phạt nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO