Hai ca đậu mùa khỉ đã được ngành y tế Việt Nam khống chế nhanh gọn thế nào?

Kim Vân 27/02/2023 16:44

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, TP.HCM phát hiện hai trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều trở về từ Dubai. Nhưng với sự cảnh giác và nỗ lực phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Việt Nam nói chung và y tế TP.HCM nói riêng đã khống chế hai ca bệnh nhanh gọn, "chặn đứng" khả năng lây lan ra cộng đồng.

Trách nhiệm với cộng đồng

Ngay từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ , lập tức Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, phân tuyến điều trị và đặc biệt nhanh chóng triển khai các nội dung điều tra, báo cáo ca bệnh, thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Nội dung báo cáo ca bệnh xác định được gửi về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định trường hợp bệnh nhiễm virus đậu mùa khỉ .

Ngày 3/10/2022, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gene khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đi du lịch từ Dubai về. Theo đó, bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú TP.HCM, khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022, đến ngày 22/9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Hai ca đậu mùa khỉ đã được ngành y tế Việt Nam khống chế nhanh gọn thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được xuất viện sau 3 tuần điều trị và có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: BVCC

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Y tế đã sớm vào cuộc chiến ngăn ngừa dịch bệnh này. Bộ đã nhanh chóng tổ chức họp khẩn với các bệnh viện, trung tâm trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gene và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ cũng ra văn bản khẩn đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời...

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang xuất hiện dịch. Cùng với đó là chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống; khuyến nghị người nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đến bệnh viện xét nghiệm.

Ngày 6/10/2022, Bộ Y tế tổ chức đoàn công tác khảo sát, kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau, bệnh nhân phục hồi sức khỏe, PCR âm tính và được xuất viện vào ngày 14/10.

Nỗ lực phòng chống dịch bệnh

Chỉ sau khi bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên xuất viện 6 ngày, sáng 20/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố vừa phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ hai.

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10. Người này khởi phát sốt ngày 18/10, có nổi mụn nước nhưng khi về đến Việt Nam (nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) được kiểm dịch y tế rà soát phát hiện.

Điều đáng lưu ý là người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung. Và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố TP.HCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly, chẩn đoán và điều trị.

Hai ca đậu mùa khỉ đã được ngành y tế Việt Nam khống chế nhanh gọn thế nào? - Ảnh 2.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai ở Việt Nam xuất viện sau 2 tuần theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: BVCC

Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận ngay người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.

Khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị, đồng thời thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định.

Đồng thời, HCDC đã khẩn trương điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng.

Sau thời gian điều trị và cách ly tại bệnh viện, bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt , tinh thần thoải mái, các sang thương đã lành hoàn toàn.

Ngày 31/10, sau hai tuần điều trị, kết quả lấy mẫu các sang thương và PCR Monkeyapox âm tính. Bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Thực tế cho thấy, với sự cảnh giác và nỗ lực phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Việt Nam nói chung và y tế TP.HCM nói riêng đã khống chế hai ca bệnh đậu mùa khỉ triệt để và nhanh gọn, không để lay lan ra cộng đồng. Trong khi đó, nếu không ngăn chặn kịp thời và không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, virus sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy.

Được biết, bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần, song tỷ lệ tử vong của bệnh này vẫn ở mức 6 - 16%.

WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu

Mới đây, trong một phát biểu vào hôm 15/2 vừa qua, WHO cho biết các chuyên gia đã ghi nhận những tiến bộ trong phản ứng của thế giới đối với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Số lượng các trường hợp được ghi nhận đã giảm đáng kể trong vài tháng qua.

Hai khu vực châu Âu và châu Mỹ - nơi ghi nhận 95% các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, đã duy trì ổn định số lượng ca mắc trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, một số quốc gia tiếp tục ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh đậu mùa khỉ kéo dài, trong khi các nước khác vẫn còn nhiều trường hợp chưa được báo cáo. Do đó, ủy ban chuyên gia của WHO và Tổng thư ký WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - khẳng định đậu mùa khỉ vẫn là một căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi ngờ đậu mùa khỉ, người dân cần liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện, hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai ca đậu mùa khỉ đã được ngành y tế Việt Nam khống chế nhanh gọn thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO