Hai ca nghi nhiễm chất cực độc ở TP.HCM ăn gì trước khi nhập viện?

22/02/2024 20:04

Trong 7 người tham dự tiệc tất niên tại TP Thủ Đức (TP.HCM), chỉ 2 trẻ bị nôn ói, có giật, nghi ngộ độc Botulinum.


Hai ca nghi nhiễm chất cực độc ở TP.HCM ăn gì trước khi nhập viện? - Ảnh 1.

Hình ảnh vi khuẩn Clostridium botulinum chứa có chất độc thần kinh botulinum cực mạnh. Ảnh: Adobe Stock.

Thông tin được ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại buổi họp báo chiều 22/2.

Theo đó, sau khi tiếp nhận hai trường hợp có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc Botulinum, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã báo cáo về Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế theo chỉ đạo của Sở, đồng thời điều trị tích cực cho 2 trẻ.

Kết quả điều tra dịch tễ ghi nhận 2 trẻ cùng tham gia một bữa ăn tất niên tại TP Thủ Đức. Trong 7 người dự tiệc, chỉ 2 trẻ có triệu chứng, tất cả thực phẩm trong bữa ăn đều đã sử dụng hết.

Các thực phẩm này được mua tại chợ tự phát. Người đi chợ không nhớ rõ người bán. Qua giám sát theo dõi từ thời điểm 2 bệnh nhi nhập viện tới thời điểm này, không có trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn.

Như Tri thức - Znews đưa tin, 2 trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc botulinum nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 lần lượt trong hai ngày 6/2 và 7/2.

Cả 2 trẻ nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, kèm co giật. Các bệnh nhi được thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác.

Các bác sĩ đã hội chẩn và không loại trừ khả năng trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin và thống nhất sử dụng thuốc giải độc tố botulinum BAT.

Theo ông Nam, năm 2023, TP.HCM được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ 6 lọ BAT. Sau khi sử dụng để điều trị cho 2 bệnh nhi, hiện TP.HCM còn 3 lọ BAT.

Hai ca nghi nhiễm chất cực độc ở TP.HCM ăn gì trước khi nhập viện? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Hiện tại, tình trạng 2 bệnh nhi cải thiện. Một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Nội tổng hợp. Một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định. Tới nay chưa có kết quả xét nghiệm.

Từ sự việc trên, Sở Y tế khuyến cáo người dân thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Đối với thực phẩm chế biến, người dân cần lưu ý về nhãn hiệu đầy đủ, còn hạn sử dụng; đối với thực phẩm động hộp cần quan sát hình dáng bên ngoài hộp: hộp phải sáng bóng, không rỉ sét, hộp kín, không biến dạng và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của cơ sở sản xuất.

Clostridium botulinum (C.botulinum) là vi khuẩn hình que, gram dương, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố. Độc tố botulinum mạnh hơn độc tố của tất cả vi khuẩn khác. Chất độc này có thể xâm nhập vào dạ dày, ruột... mà không bị axit của dịch vị tiêu hủy.

Ngộ độc Botulinum là tình trạng cấp cứu trong y tế, chỉ với liều 0,004 μg/ kg cân nặng là chúng đủ để giết chết một người trưởng thành.

Bệnh kéo dài 4-8 ngày. Trường hợp nặng, trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông), cuối cùng, người bệnh sẽ tử vong do ngạt.

Nếu không được phát hiện, điều trị, người bị ngộ độc sẽ chết sau 3-4 ngày. Ngày nay, với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai ca nghi nhiễm chất cực độc ở TP.HCM ăn gì trước khi nhập viện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO