Hai thói quen này nếu kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hóa, hậu quả là ảnh hưởng tới chức năng thận.
Vào mùa đông, trời rét, mọi người ít ra mồ hôi hơn. Điều này có thể khiến một số người uống ít nước hơn mùa hè.
Ngoài ra, trong mùa đông giá lạnh, các món chiên rán cũng được nhiều người ưa thích hơn vì sự ngon miệng, kích thích vị giác của chúng.
Tuy nhiên, theo hai vị chuyên gia, nếu uống ít nước và ăn quá nhiều đồ chiên rán kéo dài, chức năng thận có thể bị ảnh hưởng.
ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết các thói quen ăn uống không khoa học như trên là những yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hoá, thừa cân béo phì. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Bác sĩ Quốc cảnh báo hiện nay, người trẻ thường ăn nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, uống nước ngọt… Việc lạm dụng những đồ ăn này sẽ tăng nguy cơ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hoá và ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng thận. Chưa kể, ăn quá nhiều thịt, đồ mặn cũng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hoá, tăng huyết áp, hệ quả sẽ ảnh hưởng tới thận.
Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP. HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Đồng quan điểm với bác sĩ Quốc, Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho hay chế độ ăn mất cân đối vào mùa đông (ăn nhiều đồ chiên rán, đồ kho, ít vận động, uống ít nước) ảnh hưởng tới quá trình chuyển hoá của cơ thể và tác động tới chức năng thận.
"Tất cả thực phẩm con người sử dụng không cân đối - nhiều quá hoặc không đảm bảo - đều ảnh hưởng tới chức năng thận. Ngay cả các loại lá mọi người dân uống, cho rằng mát thận gan, thực phẩm chức năng... đều được chuyển hoá qua thận", bác sĩ Đào nói.
Để bảo vệ chức năng thận, bác sĩ Đào lưu ý với bệnh nhân mắc bệnh thận, khi xây dựng chế độ ăn phải để ý tới protein, những thực phẩm liên quan tới kali, photpho, sắt và bù đủ nước.
Với người trưởng thành bình thường, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn cần lưu ý: cân bằng dinh dưỡng, bổ sung muối và nước đủ nhu cầu.
Bác sĩ Đào cho biết hiện nay người Việt đang ăn quá mặn. Thói quen ăn mặn làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, hệ quả ảnh hưởng tới chức năng thận. Ăn giảm mặn là cách tốt nhất bảo vệ thận. Để giảm mặn, nguyên tắc là giảm từ từ bằng cách pha loãng nước mắm, xì dầu, giảm nêm gia vị vào trong các món ăn, hạn chế dùng các sản phẩm tẩm ướp…
Theo bác sĩ Đào, ngoài ăn uống thì người dân cần có lối sống lành mạnh, đảm bảo vận động thể dục thể thao 150 phút/tuần. Tuỳ cá thể khác nhau sẽ có những môn tập luyện khác nhau.
Bên cạnh đó, mọi người cần phải từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, lạm dụng rượu bia. Hạn chế stress kéo dài, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya kéo dài... cũng là những cách để bảo vệ thận.
Bác sĩ Quốc nhắn nhủ thêm: Vào mùa đông, người dân rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, do vậy cần phải điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới cầu thận.
Ngoài ra, mọi người cần quản lý tốt các yếu tố nguy cơ, bệnh lý mạn tính nếu mắc. Trường hợp không có bệnh lý mạn tính thì phải uống đủ nước để đảo thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.