Nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay ở Nghệ An được đánh giá là tương đối dồi dào. Hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đảm bảo về số lượng mà giá cả ổn định. Nhiều sản phẩm là đặc sản vùng miền xứ Nghệ cũng được người tiêu dùng lựa chọn để chuẩn bị cho dịp Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huy – chủ cơ sở sản xuất Giò bê Châu Hường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, cơ sở đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu cho mùa sản xuất cao điểm.
"Ngoài cung ứng lượng hàng ra các siêu thị, hiện tại cơ sở sản xuất cũng đã nhận các đơn hàng của khách hàng sỉ lâu năm ở trong và ngoại tỉnh. Cơ sở còn chuẩn bị nhiều sản phẩm như gà ủ muối/chân giò ủ muối, nem chua chả cốm, gân bò/bắp bò/chân gà muối rau tiến vua...", anh Huy nói.
Thời điểm cuối năm là cao điểm tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết, Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An (huyện Quỳ Hợp) đã thu mua nguyên liệu để cung ứng cho thị trường từ 2-3 tháng trước đó.Anh Nguyễn Sơn Tin - đại diện công ty cho biết, "Cam, chuối, mít, chè xanh… đều là các loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Các sản phẩm đều đạt chất lượng 3-4 sao OCOP, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại. Đây là thời điểm nước rút công ty tăng cường thu mua thêm nguyên liệu, đa dạng sản phẩm, mẫu mã và giữ vững nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất".
Theo các cơ sở sản xuất này, một trong những khó khăn hiện nay là khi tiếp cận thị trường các tỉnh, thành là khách hàng chưa biết nhiều về giá trị của hàng OCOP. Trong dịp Tết năm nay các doanh nghiệp đã chủ động các chương trình khuyến mãi, kích cầu người tiêu dùng.Hệ thống cung ứng hàng hóa ở Nghệ An chủ yếu ở các kênh cơ bản như: 27 trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, hệ thống chợ, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, trên 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã và 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các kênh bán hàng gồm các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Để ổn định thị trường dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương Nghệ An đã triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm. Hiện nay, các nhà phân phối hàng hóa và các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào dịp Tết với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt trên 10.050 tỉ đồng.Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.Tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân, tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, ngành phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng. Ngành Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương tăng cường công tác dự trữ, chuẩn bị tốt nguồn hàng, trong đó, chú trọng đến các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, triển khai hiệu quả công tác bình ổn thị trường Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".Thời điểm này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán hàng. Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết, việc kinh doanh đảm bảo quy định.Ngành Công Thương Nghệ An đã rà soát dự kiến nguồn hàng cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cụ thể: hơn 75 tấn gạo, hơn 19,4 tấn thịt lợn; hơn 11,4 tấn thịt bò; 13,5 tấn thịt gia cầm; 63,7 tấn rau, củ, quả;13,6 tấn thủy, hải sản; hơn 10 tấn thực phẩm chế biến; 15,2 tấn hoa quả; 3,3 tấn bánh, mứt, kẹo; gần 6,8 triệu lít dầu ăn; hơn 292 triệu lít bia, rượu, nước giải khát…
Chuẩn bị nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2024SKĐS - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng BCĐ 389 quốc gia vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.