Hậu Lộc (Thanh Hóa): Cần làm rõ những bức xúc của phụ huynh ở trường THCS Minh Lộc

Thanh Hải 23/10/2019 15:20

Mới đây, hiệu trưởng trường THCS Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã bị nhiều phụ huynh học sinh viết đơn tố cáo hàng loạt sai phạm như thu chi không đúng quy định, cho giáo viên nghỉ dạy suốt thời gian dài nhưng vẫn được hưởng nguyên lương, “ép” học sinh mua vở in lo go, mua áo đồng phục, thu tiền học thêm và tiền học nghề sai quy định…

Ưu ái giáo viên và hàng loạt khoản thu chi bất cập?

Vừa qua, Thương hiệu & Công luận nhận được đơn thư của một số phụ huynh có con em đang theo học tại trường THCS Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) gửi đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí về việc bà Mai Thị Tảo - Hiệu trưởng nhà trường trong quá trình quản lý để xảy ra hàng loạt sai phạm suốt thời gian dài.

Trường THCS Minh Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa)Trường THCS Minh Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa).

Nội dung đơn thư nêu rõ, vị hiệu trưởng này có dấu hiệu bè phái, bao che và lợi ích nhóm trong việc quản lý giáo viên khi tự ý cho một số giáo viên nghỉ dạy suốt thời gian dài.

Điều đáng nói, mặc dù không phải giảng dạy nhưng những giáo viên này vẫn đều đặn nhận nguyên lương từ ngân sách Nhà nước. Không chỉ vậy, vào cuối năm học, lại được “ưu ái” xếp loại, đánh giá vào cuối năm học là đủ ngày công và hoàn thành nhiệm vụ.(?!)

Cùng với đó là hàng loạt bất cập khác đã và đang xảy ra tại đây như: Nhà trường đăng ký dạy thêm với phòng Giáo dục và Đào tạo gồm 3 môn là Toán, Văn và Tiếng Anh. Nhưng thực tế, các khối 8 và 9 nhà trường còn dạy thêm cả môn Lý và môn Hóa. Trong khi đó số buổi dạy môn Lý, Hóa tương ứng với số buổi Tiếng Anh, như vậy là không đúng với đăng ký của nhà trường với phòng Giáo dục và Đào tạo. Và số buổi thực thu của học sinh cao hơn rất nhiều so với đăng ký về huyện, vì cứ vào cuối mỗi học kỳ nhà trường còn ôn tập thêm cả môn Sử và môn Địa. Khi đó, những số buổi học ấy vẫn không hết so với số buổi thu, nên các giáo viên chủ nhiệm được ban giám hiệu cho hưởng 5 buổi gọi là công thu tiền, còn một số buổi học khác được đẩy sang Giáo dục kỹ năng sống.

Mặt khác, từ năm học 2015 - 2016 đến nay ban giám hiệu trường THCS Minh Lộc vẫn duy trì “thông lệ” học sinh toàn trường, mỗi học sinh vào đầu năm học mới đều phải đăng ký mua từ 15 đến 20 quyển vở có in lo go nhà trường với giá đắt hơn ngoài thị trường. Song song với đó là việc “ép” học sinh mua áo đồng phục, đối với mỗi học sinh khi vào lớp 6 phải đăng ký mua cả áo mùa hè, lẫn mùa đông. Điều này khiến phụ huynh bức xúc khi mà Minh Lộc thuộc xã nghèo, nhiều gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn nhiều gia đình có con học lên lớp cao hơn, áo đồng phục từ những năm trước muốn để lại cho em. Nhưng khi các em vào lớp 6, ban giám hiệu không đồng ý cho các em mặc lại áo của các anh chị để  lại, nên đành phải đăng ký mua và “cắn răng” chịu đựng cảnh này suốt nhiều năm liền.

Sau khi nhận được thông tin trên, PV đã xác minh sự việc. Về vấn đề các phụ huynh phản ánh việc bà Tảo - Hiệu trưởng nhà trường “ưu ái” cho một số giáo viên nghỉ dạy suốt thời gian dài nhưng vẫn được hưởng nguyên lương là có cơ sở.

Bởi theo thông tin mà PV có được, cô Nguyễn Thị Huệ hiện là giáo viên Tiếng Anh sinh con thứ 3 và nghỉ dạy từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2018 mới đi dạy lại, nhưng ngoài thời gian nghỉ theo chế độ thai sản thì suốt thời gian còn lại cô Huệ vẫn nhận nguyên lương.(?)

Trường hợp khác là cô Nguyễn Thị Hà giáo viên dạy Văn – Sử mang thai lần thứ 4 và được nghỉ từ tháng 9/2018 và mới đi dạy lại vào đầu tháng 10/2019. Thời gian hơn 12 tháng cô Hà này nghỉ cũng được bà Tảo “tạo điều kiện” và cho hưởng nguyên lương.

Chưa dừng lại ở đó, vào năm học 2017 - 2018, Cô Nguyễn Thị Yên giáo viên dạy Văn - Giáo dục công dân cũng nghỉ trọn học kỳ 1 (nghỉ từ tháng 8/2017 đến 14/1/2018) mới đi dạy, suốt thời gian nghỉ đó cô Yên thi thoảng có đến trường nhưng không dạy tiết nào nhưng lương vẫn nhận đủ.

Thậm chí thầy Nguyễn Văn Thái giáo viên dạy Âm nhạc, năm học 2018 - 2019 nhiều tháng liền không đi dạy, nhưng ban giám hiệu vẫn xếp thời khóa biểu, sổ điểm vẫn có tên và vẫn nhận nguyên lương.(?)

Việc bà Tảo ưu ái cho các giáo viên nói trên là thế, nhưng đối với một số giáo viên khác thì bà Tảo lại đặt ra những quy định ngặt nghèo khiến nhiều giáo viên bức xúc. Đơn cử như nếu giáo viên nào xin nghỉ dạy 1 ngày sẽ bị trừ với số tiền là 100.000 đồng, nhưng số tiền đó lại không được chi trả cho những giáo viên khác dạy thay, khoản tiền đó dùng vào mục đích gì và đang ở đâu?

Về vấn đề thu chi sai quy định, được biết, trong cuộc họp Chi bộ đầu năm học 2019 - 2020 ban giám hiệu cũng đã thông báo và thống nhất lên kế hoạch chi tiết thu nhiều khoản có dấu hiệu không đúng với hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể là hàng loạt khoản thu như tiền dạy thêm 17.000 đồng, đội - hội 50.000 đồng, khuyến học 150.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 150.000 đồng, nước uống 50.000 đồng, xã hội hóa giáo dục 300.000 đồng, vệ sinh 65.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 75.000 đồng, xe đạp 140.000 đồng, xe đạp điện 270.000 đồng.

Anh Trần Ngọc M phụ huynh học sinh bức xúc. “Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đồng thời quy định rõ các khoản không được thu. Nhưng tại trường THCS Minh Lộc mới họp và thu các khoản theo dự kiến, trong khi đó nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nhưng vẫn tiến hành thu các khoản trái quy định. Đáng nói, có nhiều khoản nhà trường tự đặt ra, năm sau thu cao hơn năm trước và luôn ấn định mức thu khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm theo, không một ai dám lên tiếng vì con em chúng tôi đang theo học tại đây”.

“Năm ngoái tiền gửi xe nhà trường thu 90.000 đồng/xe/năm, nhưng không hiểu sao năm nay nhà trường lại tự ý thu lên 140.000 đồng/xe/năm đối với xe đạp và 270.000 đồng/xe/năm đối với xe đạp điện, xe máy. Những ngày đầu năm học mới, nhà trường chưa phổ biến các khoảng thu cũng như chưa thu tiền gửi xe, con chúng tôi mỗi ngày phải trả trực tiếp cho ông bảo về 2.000 đồng/xe/ngày. Tiền học thêm nhà trường thu 17.000 đồng/em/buổi với lớp học từ 35 đến 40 em, nhưng nhà trường chỉ báo cáo về phòng Giáo dục có 15.000 đồng/em/buổi. Hiện tại nhà trường có tổng số gần 900 học sinh, hàng năm nhà trường để ra số tiền rất lớn từ khoản thu chênh lệch này. Cùng với đó, năm nào chúng tôi cũng thấy nhà trường thu tiền xã hội hóa cũng như thu nhiều khoản khác, đủ các khoản tiền đóng góp để sửa chữa, xây dựng…nhưng có thấy nhà trường mua sắm mới hay sửa chữa cái gì đâu”, anh M bức xúc nói.

Hiệu trưởng nhà trường nói gì?

Để làm rõ nội dung trong đơn thư tố cáo, PV có buổi làm việc với bà Mai Thị Tảo - Hiệu trưởng nhà trường, bà cũng thừa nhận một số nội dung như trong đơn thư là đúng. “Năm học 2018 - 2019 nhà trường có tạo điều kiện cho thầy Nguyễn Văn Thái giáo viên âm Nhạc nghỉ dạy, nhưng mọi quyền lợi thầy vẫn được hưởng là do thời điểm này thầy giáo ấy ốm, cũng như điều kiện gia đình đang khó khăn về kinh tế. Về việc này, cùng lắm nếu tôi bị kỷ luật, tôi sẽ kêu gia đình truy thu và nộp lại số tiền của mấy tháng lương đó để trả lại cho ngân sách huyện huyện, về lý là tôi sai, nhưng tôi làm vì cái tình”.

Vị hiệu trưởng trường THCS Minh Lộc cũng thừa nhận, “cô Huệ, cô Hà và cô Yên thì có nghỉ, nhưng nói nghỉ suốt thời gian dài như trong nội dung phản ánh là chưa được chính xác. Trong thời gian nghỉ đó thi thoảng các cô ấy vẫn ra trường đi dạy, nhưng dạy lẻ tẻ, không thường xuyên. Tôi cho các cô ấy nghỉ như vậy là vì thời gian đó các cô ấy mang thai, việc các cô ấy có tuổi lại mang thai nên đi lại rất khó khăn, khi mang thai các cô ấy đã báo cáo và chúng tôi đã tạo điều kiện cho nghỉ. Nhưng tôi vẫn nói, trong thời gian nghỉ, lúc nào có sức khỏe thì sẽ đến trường đi dạy…!”

Khi PV đề nghị được tiếp cận sổ điểm cũng như sổ đầu bài của một số giáo viên nghỉ suốt thời gian dài. Ban giám hiệu nhà trường có cung cấp cho phóng viên sổ điểm, sổ ghi đầu bài của cô Huệ trong thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2018. Riêng 3 tháng đầu năm 2018 cô Huệ không đi dạy tiết nào, còn suốt thời gian trước đó thì cô có ký một vài buổi dạy. Còn sổ điểm của cô Hà và cô Yên, bà Tảo nói “hiện giờ chưa tìm thấy mong PV thông cảm và hẹn sẽ cung cấp vào dịp khác”.

Ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn thư tố cáo về sai phạm của bà Mai Thị Tảo, hiệu trưởng trường THCS Minh Lộc về việc ép học sinh mua vở, may đồng phục cũng như tổ chức học và thu sai quy định như trong đơn thư phản ánh. Xã sẽ thành lập đoàn thanh tra kiểm tra, xác minh theo đơn thư, nếu thấy sai phạm sẽ tiến hành sử lý theo quy định”.

Sáng 9/10 vừa qua, xác nhận với phóng viên về vấn đề này, bà Chung Thị Đài – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cho hay, phòng đã nhận được đơn thư cũng như các văn bản báo cáo về các khoản thu có dấu hiệu không quy định của trưởng trường THCS Minh Lộc.

“Tuy nhiên, bản kế hoạch các khoản thu của nhà trường chúng tôi mới phê duyệt những khoản theo quy định của nhà nước. Một số khoản thu theo tổ chức, xã hội hóa nhà trường cũng gửi lên nhưng phòng chưa phê duyệt nên hiện tại nhà trường không được phép thu. Ngay trong chiều nay phòng sẽ thành lập đoàn về đó thanh, kiểm tra, xác minh và có kết quả cụ thể để trả lời kết quả với báo chí. Nếu nhà trường thu sai sẽ sử lý ban giám hiệu theo quy định”, bà Đài nhấn mạnh.

Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Hậu Lộc cũng như các phòng, ban chuyên môn cần kiểm tra những phản ánh trên và xử lý để bảo đảm ổn định môi trường giáo dục.

(Theo Lê Nam/Thương hiệu & Công luận)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hậu Lộc (Thanh Hóa): Cần làm rõ những bức xúc của phụ huynh ở trường THCS Minh Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO