Hậu quả khôn lường từ việc đánh bắt cá bằng điện

16/11/2021 10:06

PLBĐ - Sử dụng điện để đánh bắt cá gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, trực tiếp đe dọa đến tính mạng người sử dụng và vi phạm pháp luật. Mới đây, vụ việc 3 người trong một gia đình ở Lâm Đồng tử vong khi dùng điện kích cá khiến dư luận không khỏi xót xa.

Liên tiếp những vụ tử nạn vì dùng điện đánh bắt cá

UBND Phường 7 TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc 3 người bị điện giật tử vong. Theo đó, khoảng 13h30 ngày 15/11, ông H.V.P (46 tuổi) cùng con trai tên H.T.M.T (18 tuổi) và ông H.T.T (38 tuổi, em ông P., cùng trú đường Tô Vĩnh Diện, tổ Cao Thắng, phường 7) sử dụng kích điện đi bắt cá dưới suối Cam Ly (thuộc khu vực Hố Hồng). Trong lúc đánh bắt cá, cả 3 người không may bị điện giật dẫn đến tử vong.

Theo người dân địa phương, gia đình ông P. có khu vườn để trồng rau cạnh đoạn suối Cam Ly. Sau khi làm vườn, 3 người nói trên sử dụng kích điện để bắt cá ở suối thì xảy ra sự việc đau lòng trên.

Ngay khi nhận tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã có mặt khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.

Dùng  - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc.

Được biết, sử dụng điện để đánh bắt cá là hình thức được nhiều địa phương cấm từ lâu, do đây là hình thức đánh bắt tận diệt và đặc biệt nguy hiểm. Trước đó, tại nước ta đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm do đánh bắt bằng điện.

Gần đây nhất, hồi tháng 6/2021 vừa qua, trên địa tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra vụ tai nạn điện giật thương tâm khiến 2 người tử vong. Nạn nhân là vợ chồng ông Bạch Văn Q. (SN 1972) và bà Nguyễn Thị Thu D. (SN 1972, cùng trú tại xóm 1, thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Cụ thể, vào khoảng 19h ngày 22/6, ông D. cùng vợ dùng ghe đi đánh bắt cá bằng hình thức chích điện trên sông Trà Khúc. Do sơ ý trong lúc đánh cá, cả 2 bị điện giật dẫn tới tử vong tại chỗ. 

Hậu quả khôn lường từ việc đánh bắt cá bằng điện - Ảnh 2.

Khu vực 2 vợ chồng tử vong do đánh cá bằng kích điện. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, tại Lâm Đồng một nam sinh dùng điện kích cá cũng đã tử vong. Theo đó, vào khoảng 21h ngày 21/6/2019, em Nguyễn Đức T. (16 tuổi, học sinh lớp 10, trú tại thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã mang máy kích điện ra đánh cá ở mương nước gần nhà. Trong lúc dùng điện bắt cá, không may T. bị điện giật ngã quỵ xuống mương nước. 

Vào tháng 4/2018, cũng tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), 2 thanh niên đã tử vong khi chích cá bằng điện ở khu vực suối Cam Ly. Một người trong nhóm lao vào cứu cũng đã bị thương.

Đánh bắt cá bằng điện có vi phạm pháp luật?

Theo cơ quan chức năng, việc đánh bắt cá bằng điện là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ có tính tận diệt, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của con người. Hiện nay, ở nước ta tình trạng dùng lưới điện, máy xung điện để khai thác thủy, hải sản vẫn diễn ra khá phổ biến. Do đó, Luật thủy sản năm 2017 có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Cụ thể tại tại Khoản 7 Điều 7, Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản có bao gồm hành vi "Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản".

Như vậy, việc sử dụng điện để đánh bắt cá nói riêng và thủy, hải sản nói chung là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Cụ thể, hành vi dùng điện để khai thác thủy sản có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền theo Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m; từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m; từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn có hình thức phạt bổ sung như: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 tháng đến 6 tháng.

Hành vi này còn có thể quy vào "Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự" theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 khi thuộc trường hợp gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Pháp nhân thương mại nếu vi phạm tội này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm tùy trường hợp phạm tội. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Như vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo đảm sức khỏe, người dân cần tuân thủ quy định của pháp luật, không sử dụng điện để đánh bắt thủy sản. Khi phát hiện trường hợp sử dụng điện để đánh bắt thủy sản, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra việc sử dụng điện không đúng mục đích trong nhân dân để kịp thời phát hiện, giáo dục, răn đe và xử lý là việc làm cần thiết, góp phần hạn chế các trường hợp thương tâm xảy ra.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hậu quả khôn lường từ việc đánh bắt cá bằng điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO