PLBĐ - Tại hệ thống cửa hàng "Vườn Của Bé" có nhiều mặt hàng trên bao bì chỉ toàn tiếng nước ngoài mà không có tem nhãn phụ nhưng vẫn ngang nhiên được bày bán, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé.
Tại của hàng "Vườn Của Bé" ở số 38 Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đang diễn ra tình trạng có rất nhiều mặt hàng được bày bán trên kệ nhưng toàn tiếng nước ngoài, không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo ghi nhận của PV, tại đây có rất nhiều mặt hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt như sữa, bỉm, bánh, kẹo, thuốc ho cho trẻ nhỏ, thực phẩm chức năng, sữa tắm, dầu gội, các sản phẩm đắp mặt nạ, kem bôi da…trong đó mặt hàng thực phẩm chức năng cho mẹ và bé chiếm đa số.
Được biết hệ thống cửa hàng "Vườn Của Bé" tại Hà Nội hiện có 8 cơ sở gồm: cơ sở 1 ở 38 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân; cơ sở 2 ở 15B Đào Tấn; cơ sở 3 ở 134 Lê Lợi, Hà Đông; cơ sở 4 ở 322 Minh Khai, Hai Bà Trưng; cơ sở 5 ở 70 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy; cơ sở 6 ở 97 Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai; cơ sở 7 ở S1.01-01S20, KĐT Vinhomes Ocean Park; cơ sở 8 ở 22 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân.
Ngoài bán hàng trực tiếp tại các chuỗi cửa hàng trong hệ thống, "Vườn Của Bé" còn bán hàng online trên trang page facebook với đa dạng các loại hàng hóa và thường xuyên có những chương trình khuyến mại giảm giá hấp dẫn.
Trong vai là khách hàng có nhu cầu mua thuốc tăng chiều cao cho bé 4,5 tuổi, PV được nhân viên tại cơ sở 1 ở 38 Nguyễn Viết Xuân tư vấn mua sản phẩm bột Bioisland Lysine 150g. Tuy nhiên khi hỏi về hóa đơn và tem nhãn phụ tiếng Việt thì nhân viên bán hàng nói không có, "hàng nhà em là hàng air, theo kiểu hàng đi máy bay chở số lượng lớn, rẻ hơn hàng xách tay, hóa đơn đỏ thì không có."
Việc hệ thống cửa hàng "Vườn Của Bé" bán hàng nhưng không xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng là có dấu hiệu trốn thuế.
Theo quy định tại Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa, từ ngày 1/6/2017, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam khi lưu thông trên thị trường mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.
Việc bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết về hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, quy định dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu còn hạn chế sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt hàng hóa là thuốc thì bắt buộc cơ sở kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, người quản lý phải có chuyên môn về dược và chứng chỉ hành nghề dược phù hợp. Hàng hóa là thực phẩm chức năng cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, phải có Giấy công bố thực phẩm chức năng.
Việc quảng cáo thuốc hay thực phẩm chức năng cũng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chỉ được quảng cáo trong phạm vi đã được thẩm định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Bình - Trưởng phòng kiểm tra phối hợp liên ngành Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông cho biết: "trên cơ sở thông tin báo chí cung cấp, Cục sẽ chỉ đạo các đội làm, quan điểm của Cục là sẽ xử lý triệt để, kết quả như nào sẽ thông báo cụ thể".
Tại điểm b Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định: "Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam" mức phạt vi phạm hành chính có thể từ 500.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Khoản 4 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT/BTC quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.