Hi hữu: Người đàn ông 60 tuổi suýt tử vong vì sặc bánh trung thu

Mai Nguyên t/h 10/09/2022 15:36

Sáng 10/9, thông tin Bệnh viện quận Gò Vấp (TP. HCM) cho biết, bệnh nhân H.Q (nam, 60 tuổi) ngày 9/9, được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, thở ngáp, nguy kịch.

Khai thác thông tin, bác sĩ được biết, trưa cùng ngày, người con cắt ¼ chiếc bánh trung thu cho ông ăn. Ông lỡ nuốt chửng phần bánh trên rồi bất ngờ ho sặc sụa, cơ thể tím tái. Người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện quận Gò Vấp gần đó, theo Vietnamnet.

Ngay tại cổng Khoa Cấp cứu, các bác sĩ xác định đây là tình huống rất nguy hiểm, nếu xử lý chậm 1-2 phút bệnh nhân sẽ tử vong nên bỏ qua các thủ tục.

Các bác sĩ áp dụng phương pháp Heimlich (một biện pháp sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở) để tống bánh trung thu ra ngoài.

Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Gò Vấp cho hay, vì bệnh nhân nặng gần 70 kg, không thể xốc lên nên phải để bệnh nhân nằm sấp, ấn mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên.

Hi hữu: Người đàn ông 60 tuổi suýt tử vong vì sặc bánh trung thu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Internet).

Người đàn ông may mắn được cứu sống, không có tổn thương não. Tuy nhiên, có biến chứng viêm phổi hit nên bệnh nhân đang được đánh kháng sinh, tiếp tục theo dõi tại Khoa ICU của bệnh viện. Người này này còn có di chứng tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung cho hay, nếu thời gian mắc dị vật đường thở như trên kéo dài khoảng 4 phút, bệnh nhân có thể bị thiếu oxy não và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, để sơ cứu khi bị mắc dị vật đường thở, chúng ta cần thực hiện những bước sau theo phương pháp vỗ lưng và ấn ngực như sau:

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều hướng lên trên. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với người lớn và trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng được gọi là phương pháp Heimlich.

Trường hợp nạn nhân còn tỉnh: Để cho nạn nhân ở tư thế đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp hôn mê, bất tỉnh: Đặt nạn nhân nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi nạn nhân. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, nạn nhân vẫn chưa thở được cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc nạn nhân khóc, thở được, da hồng hào hơn.

Khi phát hiện mắc các dị vật sống trong đường thở cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, nội soi, chẩn đoán và được các ý bác sĩ sử dụng dụng cụ y tế chuyên dụng để lấy, gắp dị vật sống ra tránh việc tự ý lấy gây tổn thương nặng hơn cho đường thở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hi hữu: Người đàn ông 60 tuổi suýt tử vong vì sặc bánh trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO