Hiểm họa chó dữ tấn công và cách phòng tránh hiệu quả nhất

Thanh Hải 05/04/2019 11:03

PLBĐ - Hàng loạt những vụ việc chó cắn chết chủ, đàn chó 10 con tấn công em bé 7 tuổi tử vong thương tâm, chó cắn người bị dại... đang khiến người dân thật sự hoang mang, lo lắng.

Quá nhiều nạn nhân bị chó cắn gây thương tích nặng, tử vong

Vụ việc gần đây nhất khiến dư luận xót xa là tối 3/4, trong lúc đang chơi ở sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), bé trai 7 tuổi đã bị đàn chó khoảng 10 con lao vào tấn công.

Phát hiện sự việc, người dân chạy đến giải cứu cháu bé và đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên đến 23h30 cùng ngày, gia đình đã xin cho cháu về nhà vì không còn khả năng cứu chữa. Bé trai đã tử vong sau đó.

cho-can-2151158-0724075
Hiện trường vụ đàn chó tấn công bé trai 7 tuổi tử vong thương tâm ở Hưng Yên.

Được biết, đây không phải là trường hợp hiếm bị chó tấn công, theo Lao Động thông tin, vài tháng gần đây, Bệnh viện Việt Đức đã phải cấp cứu nhiều trường hợp chó nhà cắn trọng thương rất nguy kịch, thậm chí, tử vong.

Điển hình cách đây vài tuần, cháu Vũ Đức Duy (9 tuổi, ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị bại não từ nhỏ, nằm liệt một chỗ, bị 4 con chó nhà nuôi xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, gần như cụt dương vật.

Cuối tháng 1/2019, các bác sĩ cũng phải cấp cứu một cháu gái 6 tuổi ở Nam Định bị chó cắn gây thương tích nặng toàn bộ vùng mặt, bị lóc da rộng ở gò má trái, sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt, mà nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt. 

Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng phải cấp cứu một bé gái 8 tháng tuổi (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị chó ngao nặng khoảng 40kg cắn khi đang chơi ở nhà. Mẹ cháu lao vào cứu bé, nhưng chị cũng bị chó cắn nhiều nhát. Các bác sĩ phải tổ chức cấp cứu cho cháu bé liên tục trong 2 tiếng liền, nhưng do những vết thương quá nặng, cháu vẫn không có dấu hiệu tiến triển nên gia đình xin đưa bé về nhà.

Theo Báo Sài Gòn Giải phóng, chó becgie, pitbull hay chó ngao Tây Tạng và nhiều loại chó dữ khác đang được nhiều người nuôi làm thú cưng, giữ nhà nên không bị xích, rọ mõm, thực sự là mối hiểm họa trong khu dân cư, có thể cắn chủ nuôi, cắn người qua đường một cách khó kiểm soát.

Những người bị chó dữ cắn nếu không tử vong cũng gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về sức khỏe, tinh thần. 

Mức phạt không đủ răn đe

Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y, ở nước ta bình quân hàng năm có khoảng nửa triệu người bị chó cắn phải đi chích ngừa, điều trị dự phòng; trong số đó có khoảng 80 - 100 người tử vong do lây bệnh dại. Theo Cục Thú y, hiện tổng đàn chó trên cả nước khoảng 5,4 triệu con nuôi ở 3,5 triệu hộ, tuy nhiên chỉ khoảng 2,1 triệu con (39%) có tiêm phòng.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý đã quy định phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với các hành vi nuôi chó nhưng không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi thả rông chó trong khu đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường.

Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khắp nơi. Điều này hết sức nguy hiểm khi bất cứ lúc nào chó cũng có thể tấn công người xung quanh hoặc chạy ra đường làm cản trở giao thông, gây tai nạn.

Mức phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Cho dù là bao nhiêu tiền đi nữa cũng chẳng thể nào bù đắp nổi những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho những nạn nhân bị chó dữ tấn công.

cho-tha-rong_piye
Ý thức người dân trong việc nuôi chó vẫn còn thấp.

Làm gì khi bị chó tấn công? 

Để biết cách phòng tránh và thoát thân khi bị chó tấn công thì các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo không nên lại gần những con chó hung dữ, chó đẻ; không tiếp xúc khi chó đang ăn; không kích thích chêu chọc chó; không nhìn lâu vào mắt chó.

Khi bị chó đuổi theo thì không nên bỏ chạy, tốt nhất là leo lên nơi cao, chó không nhảy tới hoặc tốt nhất là có 1 chiếc gậy sẽ dễ dàng hơn nhiều để cách li chó hoặc tấn công lại chó; chủ động đưa 1 vật như que, khăn, áo ... cho cho chó cắn.

Khi bị chó tấn công, nạn nhân cố gắng không cho chó cắn vào chỗ hiểm như cổ họng, mặt, hạ bộ ... có thể chấp nhận cho nó cắn vào tay trái, tay khỏe hơn dùng để tấn công chọc vào mắt, tai, sườn, đá vào bộ hạ, xương cụt hoặc hậu môn chó và kêu to gọi người đến cứu giúp.

Nạn nhân cũng có thể sử dụng các vật dụng khác như khăn quàng, hay thậm chí là giày để tấn công lại đàn chó hung dữ, ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay.

f23e3b4f3d0ed4508d1f

Bác sĩ Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ với phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút; tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương; có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.

"Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại", bác sĩ Tân cho biết.

 T.H(th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiểm họa chó dữ tấn công và cách phòng tránh hiệu quả nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO