Bệnh nhân nhận máu phải trả chi phí vì hệ thống y tế sẽ phải chi một khoản kinh phí "khổng lồ" để có được một đơn vị máu an toàn. Bệnh nhân vẫn sẽ là người có lợi ngay cả khi nhận máu phải trả tiền.
Bệnh nhân chỉ phải trả một phần chi phí
Hiến máu nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp của tình người, nhân thêm cơ hội sống cho những bệnh nhân không may mắc bệnh liên quan tới máu. Hiện nay, tỷ lệ hiến máu nhân đạo tại Việt Nam mới chỉ dừng ở mức 1% nên lượng máu cần cho bệnh nhân vẫn đang rất thiếu.
Theo TS BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương không chỉ có Việt Nam máu được hiến tự nguyện mà tất cả các nước trên thế giới đều thực hiện hiến máu nhân đạo, bệnh nhân nhận máu cũng phải trả chi phí vì hệ thống y tế sẽ phải chi một khoản kinh phí "khổng lồ" để có một đơn vị máu an toàn.
TS. Khánh cho biết, số tiền phí mỗi bệnh nhân ở Việt Nam phải chi trả cho một đơn vị máu hiện nay rất nhỏ so với chi phí để có được một đơn vị máu an toàn. Nhà nước hiện nay vẫn phải bù tiền rất lớn để bệnh nhân có máu an toàn khi truyền.
Hiểu đúng hơn số tiền bệnh nhân trả để tiếp một đơn vị máu chỉ là phần tiền hỗ trợ thêm để duy trì hệ thống nhận máu và cung cấp máu.
5 lý do người nhận máu phải trả tiền
Giải thích rõ hơn về việc người bệnh Việt Nam hiện nay chỉ phải trả 1 số tiền rất nhỏ so với chi phí mà ngành y tế phải chi ra để có được 1 đơn vị máu an toàn sau khi tiếp nhận nguồn máu từ người hiến nhân đạo, TS Khánh cho hay:
Thứ nhất, phải có kinh phí để vận động, tổ thức hiến máu, 1 đơn vị máu sẽ phải chi khoảng 50.000/đ. Chi phí mua quà tặng cho người tình nguyện hiến máu, hỗ trợ đi lại cho người hiến khoảng 200.000đ.
Thứ hai, để tiếp nhận đơn vị máu thì cần phải có túi máu trữ máu. Hệ thống túi trữ máu hiện nay dùng là túi kín gồm 3 - 4 túi để điều chế ra các chế phẩm. Loại túi trữ máu này Việt Nam vẫn chưa sản xuất mà vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Chi phí cho loại túi để tiếp nhận một đơn vị máu vào khoảng 15-20 đô la/bộ.
Thứ ba, một đơn vị máu hiến tặng về nguyên tắc an toàn sẽ không được dùng ngay cho bệnh nhân mà cần phải làm các xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu.
Sàng lọc sẽ qua 2 bước, bước thứ nhất là sàng lọc các bệnh HIV, vi rút viêm gan B, C, giang mai và sốt rét. Tiền xét nghiệm đó có thể lên tới 300-400.000/đ.
Bước sàng lọc thứ hai được thực hiện bằng phương pháp y học phân tử. Phương pháp này sẽ rút ngắn thời gian tìm ra vi rút HIV, đặc biệt ở giai đoạn cửa sổ. Ví dụ, với phương pháp xét nghiệm thông thường thì người nhiễm HIV ở giai đoạn cửa sổ sẽ không thể phát hiện ra HIV trong một tháng đó.
Nhưng với phương pháp y học phân tử tìm ra HIV khi bệnh nhân ở giai đoạn cửa sổ chỉ 1 tuần. Chi phí xét y học phân tử dù tích kiệm thì cũng mất khoảng gần 1 triệu/test.
Thứ bốn, sau khi, xét nghiệm sẽ cần phải có chi phí nhân công và điều chế định nhóm máu hệ ABO, Rh. Những đơn vị máu an toàn sẽ được điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau như: hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh yếu tố VIII…
Thứ năm, máu sau khi thành các chế phẩm sẽ còn phải tốn thêm chi phí để được bảo quản, lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc khác nhau...
Ngoài ra, còn phải kể đến chi phí cho việc vận chuyển, cấp phát máu tới các bệnh viên và các hóa chất, sinh phẩm để tiến hành các xét nghiệm hòa hợp trước truyền máu….
"Tính tất cả các chi phí, để có được một đơn vị máu sau khi thu từ người hiến tặng sẽ phải mất chi phí dưới 2 triệu đồng. Tại nước ngoài chi phí một bệnh nhân phải trả tiền để nhận một đơn vị máu khoảng 100 -150 đô la.
Hiện nay, tại Việt Nam với giá bao cấp của nhà nước bệnh nhân tiếp nhận một đơn vị máu bệnh nhân chỉ trả hơn 400.000đ/đơn vị máu. Hơn nữa số tiền này bệnh nhân đang được bảo hiểm chi trả cho nếu người bệnh gần như không phải trả tiền", TS Khánh nói.
(Theo Trí Thức Trẻ)